-->
iThethao.vn - Trang tin Thể Thao hàng đầu Việt Nam
facebook tiktok youtube
Gửi bài
back-to-top
Bóng đá

Xuân Trường tiết lộ từng bị bệnh tim, chịu trận mắng té tát trên ĐT Việt Nam

Thứ năm, 22/02/2024 09:19 (GMT+7)

Tiền vệ Lương Xuân Trường đã có những chia sẻ trên podcast cá nhân, xoay quanh quãng thời gian sang Incheon United thi đấu. Đó cũng là thời điểm anh từng chịu trận mắng té tát của HLV Toshiya Miura.

Sau VCK U23 châu Á 2016 tại Qatar, Xuân Trường cùng Công Phượng, Tuấn Anh được xuất ngoại. Nếu như Công Phượng và Tuấn Anh sang Nhật Bản chơi bóng thì Xuân Trường lựa chọn Hàn Quốc làm điểm đến của mình. Anh ký hợp đồng với Incheon United với bản hợp đồng cho mượn có thời hạn 2 năm. Nhiều người bàn tán xôn xao về một thương vụ marketing hơn là chuyên môn. Nhưng với Xuân Trường thì sao cũng được, bởi đó là cơ hội lớn để cầu thủ này phát triển bản thân.

Theo Xuân Trường, con số 300.000 USD (7 tỷ đồng) mà Incheon United bỏ ra cho HAGL là không chính xác. “Việc được định giá cao như vậy cùng những thông tin không chính xác khiến mình cảm thấy đó là một gánh nặng và áp lực, chứ chẳng hề có chút tự hào nào. Cũng không hiểu tại sao họ lại đẩy con số lên cao như vậy nữa”, Xuân Trường nói. 

Xuân Trường tiết lộ từng bị bệnh tim, chịu trận mắng té tát trên ĐT Việt Nam - Ảnh 1
Xuân Trường chịu trận mắng té tát trên ĐT Việt Nam - Ảnh: Soha 

Nhưng trước ngày sang Incheon United, Xuân Trường đã bị HLV Toshiya Miura dằn mặt: “Mình vẫn nhớ như in ngày mình ký hợp đồng với CLB Incheon United, đó cũng là đợt tập huấn của đội tuyển U23 Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho VCK U23 châu Á 2016. HLV trưởng của U23 Việt Nam lúc đó là HLV Toshiya Miura. Chiều hôm đó toàn đội có lịch tập ở sân Thống Nhất, buổi trưa hôm ấy mình đi họp báo, ký hợp đồng và kiểm tra y tế để hoàn tất các thủ tục cần thiết. 

Lịch trình cứ thế dồn dập đến nỗi không có cả thời gian để ăn trưa. Hoàn thành xong thì mình tới thẳng sân tập luôn và mình nhớ là mình đã ăn một cái bánh mì pa-tê trên đường đi, đến sân thì chạy vào thay đồ trong nhà vệ sinh ở sân vận động. Mình muộn tầm 10-15 phút. Sau đó mình đã bị thầy Miura gọi ra mắng. Ông nói rằng: 'Tôi không quan tâm cậu đi đâu làm gì, ký hợp đồng với đội bóng nào. Nhật Bản hay Hàn Quốc, tôi không quan tâm. Tôi không đồng ý việc cậu đến muộn giờ tập như thế này'.
Đó cũng là lần hiếm hoi trong sự nghiệp mình bị mắng gay gắt ngay trước cả đội, cũng là lần đầu tiên mình đến muộn trong một buổi tập. May mắn là mắng xong thầy cũng cho mình vào tập với đội luôn”. 

Sau thời điểm ấy, Xuân Trường sang Incheon United. Xuân Trường kể: “Điều mình lo lắng nhất cũng xảy ra, đó là lần đầu tiên ở chung phòng với một người nước ngoài. Các cầu thủ đến từ châu Âu sẽ được xếp ở cùng nhau, còn mình thì ở cùng một cầu thủ người Hàn Quốc. Ít ra cũng sẽ thoải mái hơn so với việc ở chung phòng với người châu Âu, vì cơ bản văn hóa của Hàn cũng khá giống với Việt Nam. 

Xuân Trường tiết lộ từng bị bệnh tim, chịu trận mắng té tát trên ĐT Việt Nam - Ảnh 2
Xuân Trường chia sẻ quãng thời gian ở Incheon - Ảnh: Incheon FC

Trong chuyến tập huấn này thì mình bị choáng ngợp hoàn toàn bởi khối lượng bài tập rất nặng của đội, cộng thêm rào cản ngôn ngữ khiến mình cũng khá hoang mang. Tuy nhiên, vì còn trẻ và cũng chẳng có gì để mất nên mình cũng cố gắng tự trấn an và quyết tâm để hòa nhập”. 

Đó chưa phải là cú sốc đầu tiên với Xuân Trường. Bởi khi mùa giải chính thức bắt đầu, ở giai đoạn đầu tiên, anh gần như không được HLV Kim Do Hoon sử dụng. Phải đến ngày “Vietnam Day” ở Hàn Quốc, Xuân Trường mới được ra sân thi đấu, dù trận mở màn theo anh đánh giá là “đặc ân”. Thoạt đầu, Trường cảm thấy khó chịu và không muốn thi đấu. “Nhưng việc từ chối một cơ hội ra sân với cầu thủ là điều cấm kỵ. Cho nên mình đã tự nói với bản thân mình rằng “giờ chỉ có một cách duy nhất để thoát khỏi tình thế này đó là quyết tâm đá thật tốt, còn lại tính sau”. Và kết quả là ở trận đấu giữa Incheon United và Gwangju tại vòng 11 K-League, mình đã thể hiện trên cả mong đợi. 

Mình nhớ nhất là lợi nhận xét của cầu thủ người Croatia - Matej Jonjic. Anh ấy đã nhận xét một câu khiến mình sướng ngất ngây, đấy là: “Hôm nay cậu thể hiện giống như đây không phải lần đầu cậu đá ở K.league Classic vậy, làm tốt lắm!” Bên cạnh đó là rất nhiều những lời khen, động viên từ các đồng đội”, Xuân Trường nói. 

Xuân Trường tiết lộ từng bị bệnh tim, chịu trận mắng té tát trên ĐT Việt Nam - Ảnh 3
Nếu không có Incheon United phẫu thuật về tim, Xuân Trường chưa chắc có thể thi đấu chuyên nghiệp cho đến bây giờ - Ảnh: Incheon FC 

Song tình thế sau đó không khả quan hơn là mấy. Hết chấn thương thì lại không được HLV sử dụng nữa. Mãi cho đến giai đoạn cuối của mùa giải, khi trợ lý HLV Lee Ki Hyung lên thay thì ông đã sử dụng Xuân Trường nhiều hơn. 

Một điều đáng chú ý là Xuân Trường mắc vấn đề về tim mạch. Xuân Trường thừa nhận: “Từ lúc còn là cầu thủ trẻ 16-17 tuổi mình đã phát hiện ra vấn đề này. Ví dụ khi vô tình thực hiện một động tác nào đó mà khiến cơ thể bị hẫng đột ngột một cái thì nhịp tim của mình sẽ bị rơi vào tình trạng đánh trống ngực và nhịp tim sẽ đập tăng nhanh lên gấp đôi. Sau này mình mới biết đây là hiện tượng cơn nhịp nhanh trên thất, là một loại triệu chứng của rối loạn nhịp tim. Tình trạng này thường diễn ra trong lúc mình tập luyện. 

Nhiều lần trên sân tập Hàm Rồng, mình đã bị rơi vào trạng thái ấy. Nếu lúc đó mình vẫn cố gắng tập căng thì thật sự không biết điều gì sẽ xảy ra. Sau này ngẫm lại thấy nguy hiểm thực sự. Khi ấy có vài lần mình nói chuyện với các bác sĩ tại Hoàng Anh Gia Lai thì một bác sĩ có nói: lúc tập luyện nhịp tim tăng lên là bình thường, không có vấn đề gì, với cũng khó để kiểm tra ngay bây giờ. Nếu cần thì phải ra các bệnh viện lớn ở Hà Nội mới kiểm tra được. Thế là mình bí mật trao đổi với thầy Giôm và thầy đã sắp xếp cho anh Trí phiên dịch đi cùng mình ra Hà Nội 2 ngày để kiểm tra. Và mình đã làm đủ các bài test, nhưng không làm cách nào để cho cơ thể mình rơi vào trạng thái đó được. Nên kết quả mọi thứ vẫn bình thường, không vấn đề gì cả. Nhưng mình biết chắc chắn là mọi thứ không đơn giản như vậy”.

Anh kể tiếp: “Mỗi lần mình bị như thế, cách duy nhất để triệu chứng ấy giảm đi là mình phải nằm ngửa ra, hít thở thật sâu và đều. Khi đó nhịp tim đang từ khoảng 180, kêu bụp bụp bụp liên tục rồi sẽ giảm dần, chậm lại rồi trở lại như bình thường. Còn nếu mình cứ tiếp tục tập luyện thì sẽ cảm thấy rất mệt. 

Mỗi lần bị như vậy xong mình thấy cơ thể rất oải, chỉ muốn nghỉ ngay nhưng vẫn chọn cố hoàn thành nốt buổi tập. Với một vận động viên, vấn đề liên quan đến tim mạch là vô cùng nhạy cảm. Thường các VĐV gặp vấn đề về tim mạch sẽ được chỉ định dừng lại tất cả các hoạt động thể thao, cho nên mình rất sợ nếu các thầy biết sẽ không cho mình chơi bóng nữa hay sẽ bị loại khỏi học viện, nên mình quyết định giấu. Thường khi rơi vào trạng thái đó trong lúc tập, mình sẽ xin đi vệ sinh. Nhiều hôm mình vào phòng vệ sinh rồi nằm luôn ra sàn nhà. Có lúc nhịp tim giảm, có lúc lại không giảm xuống được và mình phải duy trì điều đó đến hết buổi tập luôn. 

Sang đến Incheon, vấn đề này lại xuất hiện. Có một thời điểm, tình trạng đó cứ diễn ra liên tục. Mà ở Incheon thì mình lại càng ngại xin ra ngoài giữa buổi tập. Một hôm, mình thấy vấn đề nặng lên rất nhiều, bởi nó đã diễn ra trong 3 tiếng đồng hồ liên tục ngày hôm trước, đến tận tối về nhà mình vẫn cảm nhận tim đập khác thường. Hôm đó, trong một buổi tập với đội B thì mình tiếp tục gặp vấn đề và mình đã nằm luôn ra sân. Cũng may là ở đội B nên mình đỡ ngại hơn. Mọi người hỏi thăm thì mình vẫn nói dối là gặp vấn đề về dạ dày, do ăn uống này kia. Tuy nhiên nằm ra sân như vậy mà tình hình vẫn không giảm. Thế là lúc ấy mình quyết định đánh liều, thú nhận sự thật luôn với anh kỹ thuật viên y tế của đội, rằng: Tôi bị vấn đề này từ lâu rồi. Nhịp tim của tôi bị đập nhanh bất thường. Anh có thể đưa tôi vào bệnh viện để kiểm tra ngay bây giờ không?” Cũng may là physio ở các đội bóng bên Hàn đều có thể sử dụng được kha khá tiếng Anh. Và cũng may anh này hiểu tình trạng của mình nên đã ngay lập tức xin phép bác sĩ chính của đội để đưa mình vào viện ngay. Vào đến viện thì mình được đưa đến phòng cấp cứu, mình đã chọn không nằm xuống mà chỉ ngồi vì mình sợ nếu ngồi xuống thì cơn nhịp nhanh đó sẽ biến mất và các bác sĩ sẽ không bắt được triệu chứng này. 

Rất may là các bác sĩ đã phát hiện ra, mình phải mổ nội soi để xử lý triệt để. Đến giờ nghĩ lại thấy thật phiêu lưu, cũng may có người đại diện mặc dù rất bận rộn nhưng đã dành thời gian để túc trực bên mình 24/24. Vận mệnh đã cho mình đến với Incheon, và nếu không đi theo tiếng gọi của trái tim thì mình không chắc là vấn đề về tim mạch của mình có được xử lý một cách triệt để như vậy không. Thật sự rất thần kỳ. Từ đó đến bây giờ mình không rơi vào trạng thái đó lần nào nữa”. 

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá