'Đá sân nhà ở thời điểm này không hẳn là lợi thế với ĐTVN ở vòng loại World Cup 2022'
Thứ tư, 04/08/2021 07:35 (GMT+7)
Liệu có sự khác biệt giữa thi đấu trên sân nhà và sân khách? Nhiều cựu danh thủ một thời của bóng đá Việt Nam đã chia sẻ với Thethao.vn về một góc nhìn so sánh rất thú vị, đi ngược lại hoàn toàn với suy nghĩ ‘đá sân nhà tốt hơn sân khách’.
Cựu trung vệ Nguyễn Mạnh Dũng: Mệt nhất là lệch múi giờ
Nếu cầu thủ phải đá với mật độ dày khoảng 3-4 ngày một trận thì việc di chuyển tương đối mệt. Ngay sau khi thi đấu ở giải trong nước, cầu thủ phải lên đường xuất ngoại ngay. Từ sân bay, các cầu thủ về khách sạn nghỉ ngơi rồi ra làm quen sân.
Tôi còn nhớ cuộc chạm trán với Gamba Osaka ở cúp C1 châu Á, trận đấu diễn ra vào thứ Tư. Đội vừa thi đấu xong ở Đà Nẵng hôm Chủ nhật đã phải lên máy bay, quá cảnh qua Hong Kong rồi mới đến Nhật Bản. Chúng tôi mất khá nhiều thời gian để đến nơi, nhưng phải chuẩn bị tinh thần đá luôn.
Mỗi lần xuống sân bay, chúng tôi không có thời gian để làm quen với múi giờ mới. Đến khách sạn là cả đội thay đồ, nằm nghỉ ngơi một chút rồi xuống họp ban huấn luyện. Chúng tôi được phổ biến về mặt an ninh, tập luyện, nội quy, sau đó trở về nghỉ ngơi và ra sân luyện tập. Về cơ bản, mọi thứ diễn ra tương đối gấp gáp.
Việc hồi phục thể lực sau mỗi trận đấu và hành trình như thế phụ thuộc lớn vào lứa tuổi. Cầu thủ trẻ dưới 25 tuổi có sức hồi phục khá tốt. Nhưng với cầu thủ trên 25 tuổi và có gia đình, ảnh hưởng do tâm lý và tuổi tác sẽ khiến hồi phục chậm hơn một chút. Cầu thủ sẽ cảm thấy tương đối uể oải.
Một nhân tố khác ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục thể lực cầu thủ là kết quả trận đấu. Nếu mọi thứ khả quan, tâm lý thoải mái, hưng phấn thì thể lực sẽ hồi phục rất nhanh. Nhưng kết quả không tốt sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, làm thể lực cũng bị ảnh hưởng theo.
Sân nước ngoài đẹp, đá rất thích
Cựu trung vệ ĐT Việt Nam chia sẻ thêm: Về chuyện ăn uống, cầu thủ Việt Nam hiện nay được tập luyện và thi đấu nhiều ở nước ngoài. Họ đã làm quen về chế độ dinh dưỡng, nhưng khẩu vị vẫn là điều đáng bàn. Một ví dụ gần gũi thôi là đồ ăn ở từng nước, từng vùng miền có hương vị khác nhau thì mỗi người đều có cảm nhận riêng.
Thời chúng tôi, cầu thủ phải khắc phục bằng cách mang theo đồ ăn riêng như ruốc, mỳ tôm… để có hương vị quê nhà. Hồi ấy, đồ ăn của các nước như Nhật Bản hay Hàn Quốc thì gần giống Việt Nam, nhưng đồ ăn châu Âu hay đặc biệt các nước theo đạo Hồi, các cầu thủ sẽ chưa quen được ngay.
Về mặt sân bóng thì chất lượng hiện nay đều theo quy chuẩn. Thậm chí cả giày, bóng thi đấu, trang phục… đều đồng bộ nên không có gì phải phàn nàn cả.
Hồi xưa, sân nước ngoài có mặt cỏ đẹp, khán đài rộng nên cảm giác khá thích thú khi chơi bóng. Sự mênh mông về không gian khiến cầu thủ hơi khó định hướng chuyền bóng, nhưng không ảnh hưởng nhiều lắm đến thi đấu. Trước mỗi trận, các cầu thủ phải làm quen, và cầu thủ chuyên nghiệp thích ứng rất nhanh.
Ảnh hưởng của khán giả đến tâm lý cầu thủ thực ra gần như không có nhiều, cả trên sân khách lẫn sân nhà. Các cầu thủ chủ yếu tập trung vào chuyên môn nên không bị phân tán sự tập trung.
Cựu tiền vệ Lê Quốc Vượng: Sân nhà không có nhiều lợi thế
Tôi thấy việc thi đấu sân nhà và sân khách chỉ là lợi thế nhỏ thôi. Bất lợi của Việt Nam ở vòng loại thứ 3 World Cup là thời tiết và sân bãi. Bên cạnh đó, chúng ta còn mất đi yếu tố khán giả. Tôi thấy đội chủ nhà không có nhiều lợi thế trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện tại.
Về vấn đề đồ ăn thì hiện nay, tôi thấy việc này đã chủ động hơn rồi, thậm chí cả đội có đầu bếp đi cùng nên không ảnh hưởng nhiều. Ngày xưa mình sang nước nào thì ăn đồ ở đấy, nếu không hợp khẩu vị thì ăn mì gói mang theo. Còn việc lệch múi giờ thì chỉ ảnh hưởng trong 1-2 ngày đầu tiên.
Khi mình đá sân nhà, có phong độ tốt thì cầu thủ rất hưng phấn. Nhưng nếu phong độ không tốt, điều đó lại trở thành áp lực. Với những chuyến hành quân xa nhà, mình thể hiện tốt, áp lực còn đẩy ngược lại sang đội chủ nhà.
Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh là tất cả những yếu tố ấy chỉ giống như “món phụ”. “Món chính” vẫn là chuyên môn. Nếu cầu thủ được trang bị chuyên môn đầy đủ, kỹ năng đầy đủ, khả năng vượt trội thì họ sẽ thi đấu với tâm thế cửa trên. Cá nhân tôi thấy khác biệt giữa sân nhà và sân khách rất nhỏ, không thể quyết định thắng thua.
Cựu thủ môn Dương Hồng Sơn: Đá sân khách thoải mái hơn ở sân nhà
Ngày nay, mọi thứ khá tiện lợi. Ở thời của chúng tôi, đội phải di chuyển nhiều do thường phải bay chuyển tiếp nên rất mệt. Bây giờ việc di chuyển không quan trọng lắm, nhưng thời điểm thích hợp nhất để cầu thủ lên máy bay là khi trận bóng kết thúc được 12 đến 24 tiếng. Lúc đó cầu thủ mới có thời gian nghỉ ngơi.
Ví dụ như hôm nay đội thi đấu, chiều hôm sau bay về là tốt nhất bởi cầu thủ có một giấc ngủ giúp hồi phục thể lực. Quan trọng nhất là thời gian ngủ để hồi lại sức.
Điều đáng lo ngại nhất là việc lệch múi giờ khiến các cầu thủ khó ngủ, thay đổi nhịp sinh học và cơ bắp trở nên mệt mỏi. Bên cạnh đó, cầu thủ cũng cần ít nhất 3 buổi tập để làm quen điều kiện sân bóng, không gian của sân, thời tiết và nhịp thở.
Khán giả là niềm cảm hứng cho cầu thủ thi đấu. Sân nhà sẽ tạo áp lực cho đội khách, tăng tinh thần cho đội nhà. Nhưng với tôi, thi đấu trên sân khách thì tôi cảm thấy thoải mái, không bị áp lực nhiều. Ngược lại, khi về sân nhà, áp lực sẽ nặng hơn. Tâm lý không vững thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sự tập trung.
Ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu 5 trận trên sân nhà. Trước đó, HLV Park Hang Seo và các học trò từng có nguy cơ phải đá trên sân trung lập giống như những trận cuối ở vòng loại thứ 2.