-->
iThethao.vn - Trang tin Thể Thao hàng đầu Việt Nam
facebook tiktok youtube
Gửi bài
back-to-top
Võ thuật MMA

Vì sao MMA không đơn thuần chỉ là đánh đứng và khóa siết? (Phần 1)

Thứ ba, 15/08/2023 10:45 (GMT+7)

Việc phân tích MMA thành 2 thành phần Striking (đánh đứng) và Grappling (vật - khóa siết) đôi khi dẫn đến một hiểu lầm tai hại rằng chỉ cần sở hữu kỹ thuật của một môn Striking và một môn Grappling là ta có MMA. Nhưng mọi chuyện sẽ phức tạp hơn thế…

Võ thuật đối kháng đã tồn tại hàng nghìn năm, với những triết lý, lịch sử, kỹ thuật, bộ luật rất riêng cho từng môn võ. Mỗi võ sĩ đều có thể tin rằng môn võ của mình là tốt nhất để thượng đài và chiến đấu. 

Tuy nhiên rõ ràng rằng các bộ quy tắc riêng của từng môn, được phát triển qua nhiều năm ròng, sẽ tạo nên những đặc điểm kỹ thuật đặc thù. Ví dụ, “dân chơi” Quyền Anh thì không bao giờ phải lo bị đá vào chân, người chơi Brazilian Jiu Jitsu (BJJ) thì chẳng phải lo ăn đấm vào mặt, nên nhu cầu phòng thủ của họ cho những đòn tấn công như vậy là không cần thiết. 

Và vì vậy, khi chúng ta bước lên võ đài MMA, nơi bộ luật được nới rộng ra khá nhiều và những bộ quy tắc đặc trưng của môn không còn được áp dụng; Striking sẽ không còn thuần túy là đánh đứng; Grappling sẽ không còn đơn thuần là vật và khóa siết.

Vì sao MMA không đơn thuần chỉ là đánh đứng và khóa siết? (Phần 1) - Ảnh 1
MMA không đơn thuần chỉ là đánh đứng và khóa siết (Ảnh LION Championship)

Vậy thì đâu là những điểm khác biệt mà các môn võ phải đối mặt, điều chỉnh khi bước vào đấu trường MMA?

Ở phần 1, chúng ta sẽ xem xét các môn thuộc về phạm trù Striking - đánh đứng.

Tư thế đứng (Stance)

Tư thế đứng, Stance, hay một số văn bản dịch thành “thế tấn”, là bước đầu tiên khi ta bước vào các nội dung võ thuật. Tư thế đứng tốt vừa đảm bảo cho võ sĩ có thể di chuyển nhanh, linh hoạt theo mọi hướng; đồng thời vừa đảm bảo võ sĩ sẽ không ngã, trượt do mất cân bằng.

Một số môn võ cổ truyền thường xuất hiện với hình ảnh võ sĩ đứng mặt đối mặt với đối thủ, hai chân đứng bằng nhau, dạng chân rộng so với vai. 

Vì sao MMA không đơn thuần chỉ là đánh đứng và khóa siết? (Phần 1) - Ảnh 2
Tư thế đứng trong một bài tập Thái Cực quyền (Ảnh news.cn)

Đây nên là tư thế đứng bắt đầu một bài quyền chứ không nên là tư thế đứng chuẩn bị cho việc đối kháng - với tư thế này, tuy hai tay có thể tự do đón đỡ ngoại lực, nhưng toàn bộ phần thân trên to lù lù sẽ trở thành bia ngắm sống cho đối thủ. Chưa kể, tư thế để chân ngang nhau cũng sẽ khiến võ sĩ dễ bị đẩy ngã, gạt ngã, đồng thời không thể dùng được toàn bộ trọng lượng cơ thể để phát lực cho cú đánh của mình.

Sang đến Karate / Taekwondo ở nội dung full contact, tư thế đứng của họ có một đặc sắc là hướng đứng “mỏng như lưỡi dao” - hai chân dang rộng, mũi chân hướng ngang, người đứng nghiêng, hướng phần thân bên và quay đầu đối mặt về phía đối thủ. 

Tư thế này xuất phát từ việc các giải đấu thường cho điểm khi võ sĩ đánh trúng đối thủ ở vị trí thân trên, và chỉ cần chạm vào người đối thủ là một điểm sẽ được tính. Ngay sau khi đòn trúng đích, hai võ sĩ lại được sắp xếp trở lại tư thế đứng chuẩn bị.

Điểm mạnh của tư thế này là cho phép những cú đá cao, đá vòng cầu có quỹ đạo di chuyển thoáng hơn, nhiều đất thể hiện hơn; nhưng đồng thời khá là khó để thực hiện những cú đá từ chân trước (lead leg kick) cũng như đá ngang (side kick).  

Vì sao MMA không đơn thuần chỉ là đánh đứng và khóa siết? (Phần 1) - Ảnh 9
Tư thế đứng của Karate Full Contact

Thế đứng của Muay Thái, với chân trước mũi chân hướng trước; chân sau đặt ngang tạo thành góc vuông với chân trước; khoảng cách giữa hai bàn chân hơi hẹp, là gần gũi nhất với đa số võ sĩ MMA hiện tại. 

Do hai chân đặt gần nhau hơn, trọng tâm cơ thể rất dễ dàng được chuyển từ chân sau sang chân trước. Điều đó cho phép võ sĩ thực hiện các cú đá với tốc độ cực nhanh mà không mất thăng bằng. 

Đây cũng là đặc điểm thích nghi với cách tính điểm trong môn Muay - không phải đối mặt với takedown, những cú đá ghi điểm nhiều nhất, cường độ và tần suất ra đòn được coi trọng. 

Vì sao MMA không đơn thuần chỉ là đánh đứng và khóa siết? (Phần 1) - Ảnh 4
Tư thế đứng của Muay Thái (Ảnh Võ đường No.1 Muay Club Nguyễn Trần Duy Nhất)

Tư thế Stance của tất cả những môn võ kể trên đều sẽ cần hiệu chỉnh, hoặc ít hoặc nhiều, khi võ sĩ bước vào sàn đấu MMA. 

Nguyên tắc hiệu chỉnh luôn là võ sĩ phải vừa có thể đứng vững, giữ được thăng bằng; trọng tâm cơ thể đủ thấp để phòng thủ trước những pha kéo ngã, quật ngã (takedown); nhưng lại cũng phải đủ linh hoạt để áp dụng footwork, thoải mái di chuyển về các hướng. 

Do đó trong nhiều hướng dẫn học MMA gần đây, thường thấy các HLV yêu cầu học viên để mũi chân trước hướng trước, chân sau không đặt ngang như Muay Thái mà chỉ chếch góc 60 độ, khoảng cách giữa 2 bàn chân cũng không hẹp như Muay mà rộng bằng vai hoặc hơn.

Cách võ sĩ di chuyển (footwork) vẫn tuân theo các nguyên tắc giống với Quyền Anh, nghĩa là chân nào gần với hướng di chuyển nhất thì bước trước. Ví dụ di chuyển sang trái thì chân trái bước trước, di chuyển về phía sau thì chân sau bước trước. Không nên đặt 2 chân chéo nhau như hình chữ X - võ sĩ sẽ vừa mất thăng bằng, vừa không ở tư thế phát lực nếu cần ra đòn trong khi di chuyển.

Kiểm soát lồng đấu, sàn đấu (Cage Control / Ring Control)

Cage Control, Ring Control là vấn đề rất đặc trưng của MMA khi so sánh với những môn thể thao đối kháng khác, đặc biệt là các môn đối kháng trên thảm, như Karate, Tán đả, Taekwondo.

Vấn đề này dính đến một khái niệm, đó là “ép góc”. Võ sĩ tấn công sẽ cần ép đối thủ vào góc võ đài, dùng dây đài hoặc cạnh lồng sắt để hạn chế khả năng di chuyển né đòn của đối thủ. Trong khi đó, võ sĩ bị ép góc sẽ cần tải đòn, cần linh hoạt phản công và chớp góc di chuyển, thoát ra rất nhanh để không rơi vào tình trạng “chú chuột sập bẫy”. 

Vì sao MMA không đơn thuần chỉ là đánh đứng và khóa siết? (Phần 1) - Ảnh 5
Kỹ thuật ép góc, so sánh giữa võ đài vuông (Ring) và lồng bát giác (Octagon). Xanh là kỹ thuật đúng, Đỏ là kỹ thuật đối thủ có thể thoát ra (Ảnh Techniques Combat)

Với sàn đấu vuông (Ring); các chiêu số ép góc vẫn giống với các môn đối kháng sử dụng đài đấu tương tự, như Quyền Anh, Muay, Kickboxing. Võ sĩ tấn công cố gắng không để đối thủ thoát qua mình, di chuyển lại vào phần trung tâm của võ đài; sau đó hoặc họ dồn áp đối thủ thẳng vào dây đài, hoặc lùa, dí đối thủ vào góc đài. Quan trọng là “bịt kín đường lui”, không để lại khoảng hở để đối thủ lách ra được.

Với lồng đấu tròn hoặc bát giác (Cage), nguyên lý vẫn vậy nhưng cách thực hiện thì khó hơn; vì lồng đấu sẽ không có phần góc đài vuông để dồn đối thủ vào, đồng nghĩa với việc “chú chuột đã sập bẫy” dễ lách ra khỏi thế bị ép góc. 

Điều này đòi hỏi Fight IQ của võ sĩ phải cao - không hẳn cứ dồn đuổi là hay, mà cần chú ý hơn là giữ được góc tấn công chính xác, không cho phép đối thủ “thoát khốn”. Võ sĩ tấn công vốn đã là người bùng nổ, bung sức hơn, cứ liên tục để đối thủ thoát ra khỏi bẫy thì sức đâu mà rượt, mà truy đuổi con mồi mãi. 

Những cú gạt ngã (trip) và kéo ngã - quật ngã (takedown)

“Đánh đứng xuất chúng mà không biết gì về takedown, thì vào lồng là đứt” - quan điểm này đã được chứng minh ngay từ những kỳ UFC đầu tiên, tức là từ thập niên 90s của thế kỷ trước. 

Tầm quan trọng của takedown là không thể chối cãi khi nó buộc các võ sĩ quen đánh đứng phải đối mặt với vật và địa chiến, những lĩnh vực mà họ không mấy am hiểu. Hơn thế nữa, cách chấm điểm của MMA cũng cho điểm khá cao với các võ sĩ có thể thực hiện takedown và nắm thế kiểm soát từ bên trên (on mount / top position). 

Vì sao MMA không đơn thuần chỉ là đánh đứng và khóa siết? (Phần 1) - Ảnh 8
Không dễ để nối liền nhịp đánh đứng striking với cơ hội takedown (Ảnh LION Championship)

Do đó, nếu các võ sĩ có thể nối liền những pha đổi đòn đánh đứng với những cú gạt ngã (trip), kéo ngã - quật ngã (takedown), đó sẽ là một lợi thế lớn trong việc kéo đối thủ xuống nước, mở ra khả năng chiến thắng bằng khóa siết submission, hoặc đấm giã gạo Ground and pound. 

Lĩnh vực này không dễ - kể cả những tên tuổi lớn trên võ đài thế giới, ví dụ như Matt Hughes, Ronda Rousey hay Koscheck, thường cũng không kết hợp được khả năng đánh đứng striking của họ với kỹ thuật takedown. Họ chỉ đơn giản là lao vào, shot in, thuần túy dựa vào kỹ thuật wrestling để vật ngã đối thủ xuống sàn.

Nhưng cũng có những người như Georges St-Pierre, hay đặc biệt là “Sa hoàng cuối cùng” Fedor Emelianenko, phối hợp nhuần nhuyễn đến độ họ có thể dùng đánh đứng để mở đường cho vật ngã, quật ngã; và dùng vật / Sambo để nhử đòn, khiến đối thủ mất thăng bằng rồi nhào lên áp đảo. 

Với trường hợp của Georges St-Pierre (GSP), thì kỹ thuật tung jab và liên tục nhún nhảy thay đổi trọng tâm cơ thể lên - xuống khiến đối thủ khó có thể đoán được GSP đang định nhắm đến điều gì - là tung jab vào thân trên, chuẩn bị bốc đôi double leg takedown, hay đang nhử đòn thôi? 

Georges-St Pierre cũng hay có màn tung đấm (kể cả đòn nhử lẫn đòn thật) vào vùng đầu của đối thủ. Sau đó, chỉ cần đối thủ bước lùi hoặc ở thế thủ để đỡ đòn, thì GSP sẽ lao xuống bắt chân, bốc ngã đối thủ xuống đất.

Vì sao MMA không đơn thuần chỉ là đánh đứng và khóa siết? (Phần 1) - Ảnh 6
Trong lúc giữ tay đối thủ, Fedor Emelianenko rất nhanh đưa gối ra sau chân đối thủ để gạt ngã

Fedor Emelianenko lại cống hiến một phong cách khác. Là bậc thầy Sambo / Judo, Fedor có thể đang nhập nội đổi đòn lại bất thình lình hạ cơ thể xuống, vòng chân ra sau đầu gối, sau mắt cá chân của đối phương, rồi gạt cho đối thủ ngã chỏng gọng.

Fedor cũng hay bắt lấy tay trước của đối thủ, hoặc để mở đường cho cú đấm tay sau, hoặc để bước vào ôm khóa clinch, nơi mà Fedor có rất nhiều lựa chọn như gạt ngã hay quật ngã bằng ôm hông (body lock takedown).

Ở phần 2, chúng ta sẽ xem xét các môn thuộc về phạm trù Grappling - vật và khóa siết. 

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá