Vì sao Barcelona bị gắn mác UEFALONA: 5 nghi án ‘mua trọng tài’ khiến Barca mang tiếng xấu
Thứ sáu, 29/12/2023 18:02 (GMT+7)
Vì sao Barcelona bị gắn mác UEFALONA? Các trọng tài đã thiên vị đội bóng này đến mức nào, khiến họ bị gán cho biệt danh xấu xí như vậy?
Nhắc đến năm 2023 của Barcelona, người hâm mộ bóng đá sẽ nhớ nhất điều gì? Là năm thứ hai liên tiếp Gã khổng lồ xứ Catalan phải dứng bước ngay từ vòng bảng Champions League? Là chức vô địch La Liga đầu tiên dưới triều đại Xavi? Hay thất bại tủi hổ 0-4 trước đại kình địch Real Madrid ngay trên sân Camp Nou ở trận bán kết Cúp Nhà vua?
Tất cả đều chưa phải! Mọi vinh quang hay nốt trầm của Barca trong năm 2023 gần như đều bị lu mờ bởi “Bê bối Negreira”. Cụ thể, hồi tháng 3 năm nay, Barca bị văn phòng công tố Tây Ban Nha phát giác việc chuyển cho 2 công ty Dasnil và Nilsat tổng cộng 7,3 triệu euro trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến 2018. Đáng nói hơn, Chủ sở hữu 2 công ty này là Enriquez Negreira, người giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Trọng tài (CTA) thuộc Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha giai đoạn từ 1994 đến 2018.
Trong 17 năm chi tiền cho công ty của Phó Chủ tịch Ủy ban Trọng tài, Barca đã được 9 chức vô địch La Liga, cùng với đó là 6 lần lên ngôi tại Cúp Nhà vua. Thông tin này đã khiến không ít người phải nghi ngại về việc, đội chủ sân Camp Nou đã chi tiền mua trọng tài để được ưu ái ở đấu trường quốc nội.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, Barcelona khi thi đấu tại đấu trường Champions League cũng không ít lần được những người mang trọng trách cầm cân nảy mực cho trận đấu “nhắm mắt làm ngơ” một cách đáng ngờ. Đến mức, cổ động viên các đội bóng phải nếm trái đắng bởi Barca còn đặt cho họ biệt danh là “UEFAlona”. Sau đây, chúng ta sẽ cùng điểm lại 5 trận đấu đáng ngờ nhất khi mà gã khổng lồ xứ Catalan được hưởng lợi từ những “tiếng còi méo” trong quá khứ.
Chelsea 1-1 Barcelona (Ngày 6/5/2009)
Đầu tiên, chắc chắn phải nhắc đến loạt trận bán kết Champions League giữa Chelsea và Barcelona vào năm 2009. Ở lượt đi, Chelsea chơi cực kỳ quả cảm và cầm hòa Barca 0-0 tại Camp Nou. Lượt về, The Blues trình diễn lối chơi phản công siêu việt, cầm bóng ít nhưng mỗi đợt tấn công đủ khiến Barca run rẩy.
Chelsea sớm có bàn thắng tuyệt đẹp của Essien. Họ còn xứng đáng được hưởng 4 quả penalty nhưng vua áo đen Tom Henning Ovrebo gạt phăng tất cả. Biến cố lớn xảy ra ở phút 90+3, Iniesta ghi bàn khiến Chelsea bị loại đầy đau đớn vì luật bàn thắng sân khách. Kết thúc trận, Didier Drogba không giữ được bình tĩnh và chỉ tay chửi thẳng mặt Ovrebo.
Đây được coi là một trong những scandal lớn nhất lịch sử Champions League, một trò hề tại đấu trường danh giá nhất châu Âu. Ở trận đấu cuối cùng, Barca đã đánh bại MU với tỷ số 2-0 và đăng quang trên sân Olimpico, Roma. Eto'o và Messi là 2 cầu thủ ghi bàn ở trong trận chung kết năm đó.
Barcelona 1-0 Inter Milan (Ngày 28/4/2010)
1 năm sau, lần này vẫn là bán kết Champions League nhưng đối thủ của Barca là Inter Milan. Sau cú ngã ngựa với tỷ số 1-3 ở Giuseppe Meazza trong trận lượt đi, Pep Guardiola và học trò cần chiến thắng với cách biệt 2 bàn ở lượt về để lọt vào chung kết. Và họ đã có được sự trợ giúp đắc lực của trọng tài Bleeckere khi ông rút thẻ đỏ “ma” truất quyền thi đấu Thiago Motta với lý do đánh nguội. Nhưng khi xem lại pha quay chậm, tình huống hé mắt nhìn trọng tài của “nạn nhân” Busquets đã tố cáo tất cả. Rất may cho Inter khi sau đó họ chỉ để lọt lưới 1 bàn và bảo toàn vé vào chung kết. Trận đấu này làm nên tên tuổi của "kịch sĩ" Sergio Busquets.
Barcelona 3-1 Arsenal (Ngày 9/3/2011)
Sang đến năm 2011, Barca chạm trán Arsenal tại vòng 1/8 Champions League. Lượt đi Arsenal xuất sắc đánh bại Barca 2-1 trên đất Anh. Và tới đầu hiệp 2 của trận lượt về, Arsenal vẫn nắm lợi thế khi tạo tỷ số 1-1. Bước ngoặt diễn ra ở phút 56 khi trọng tài Busacca đã rút thẻ vàng thứ 2 truất quyền thi đấu của Van Persie với hành vi sút bóng sau khi ông đã cắt còi báo việt vị. Bất chấp tiền đạo này đã thanh minh rằng anh không nghe thấy tiếng còi, vị vua áo đen không đổi ý. Arsenal sụp đổ vì mất người, thua thêm 2 bàn và chấp nhận bị loại tức tưởi.
Barcelona 3-1 AC Milan 4/4/2012
Sau đó 1 năm, sự cố tiếp tục xảy đến ở các trận đấu của Barca tại vòng 1/8 Champions League. Nạn nhân lần này là AC Milan. Lượt đi, 2 đội đã hòa nhau 0-0 trên sân San Siro. Trong trận lượt về, bàn thắng của Nocerino ở phút 32 giúp AC Milan có lợi thế bàn thắng trên sân khách.
Tuy nhiên, tình huống thổi penalty sai luật của Bjorn Kuipers đã giúp gã khổng lồ xứ Catalan giành lại lợi thế. Cụ thể, pha kéo áo Busquets của Nesta diễn ra trước khi Xavi thực hiện cú đá phạt, tức là trận đấu vẫn chưa diễn ra, nó không hề ảnh hưởng đến diễn biến. Ấy vậy mà ông Kuipers lại quyết định cho chủ nhà thực hiện quả phạt 11 mét trong sự ngỡ ngàng của các cầu thủ áo trắng cũng như hàng triệu khán giả theo dõi qua truyền hình.
Barcelona 6-1 PSG (Ngày 9/3/2017)
Năm 2017 ghi dấu một trong những màn lội ngược dòng kinh điển của Barcelona trong lịch sử Champions League. Ở trận lượt đi PSG đã hạ gục đội bóng xứ Catalan 4 bàn không gỡ. Sang đến trận lượt về trên sân Camp nó Nou, Barca đã hủy diệt PSG tới 6-1 qua đó thẳng tiến vào vòng tứ kết. Nhưng như thường lệ, trận đấu này tiếp tục ghi dấu ấn khá rõ nét của… trọng tài.
Chính Javier Mascherano bên phía Barca thừa nhận 2 lần phạm lỗi, một lần cản ngã Di Maria, 1 lần chơi bóng bằng tay nhưng “may mắn” trọng tài không thổi phạt. Ngược lại, đội chủ nhà đã được hưởng lợi bởi 2 quyết định khó hiểu của trọng tài. Phút 48, Meunier loạng choạng vấp ngã, vô tình cản bước Neymar và trọng tài không bỏ qua tình huống tranh cãi này để thổi phạt đền cho Barca. Đến phút 90, Suarez té ngã đầy khôn khéo trong vùng cấm khi Marquinhos mới chỉ chạm nhẹ.
Trở lại với “Bê bối Negreira” được nhắc đến ở đầu video, hiện chưa có nhân vật nào liên quan bị bắt giữ dù các cuộc điều tra vẫn được tiếp tục. Vụ việc gây xôn xao trong tháng 3 rồi lắng xuống. Chỉ đến khi cảnh sát khám xét trụ sở Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha để tìm kiếm các tài liệu liên quan đến Negreira vào ngày 28/9, mọi việc mới được khơi lại.
Đầu tháng 9, thẩm phán Joaquin Aguirre Lopez cho biết chưa tìm thấy bằng chứng nào về việc Negreira đưa tiền cho trọng tài để gây ảnh hưởng đến kết quả trận đấu. Đây là điểm mấu chốt nhất của vụ án. Nếu Barca thông qua Negreira để "mua" các trọng tài thì phải có trọng tài nào đó lên tiếng và kèm theo các bằng chứng: Chuyển tiền vào tài khoản nào? Nếu nhận tiền mặt thì nhận ở đâu, thời gian nào, có bằng chứng không…
Cũng giống như 5 ví dụ tiêu biểu tại Champions League kể trên, dù đã có những dấu hiệu cụ thể, kết quả các trận đã ít nhiều bị ảnh hưởng do quyết định của trọng tài, nhưng chẳng ai có thể khẳng định được Barcelona có mua trọng tài hay không. Cho đến khi những bằng chứng xác thực được đưa ra, thì Barca vẫn hoàn toàn vô tội. Người hâm mộ của các đội bóng bị ảnh cũng chỉ biết cười trừ cùng cụm từ “UEFAlona” mà thôi.