-->
iThethao.vn - Trang tin Thể Thao hàng đầu Việt Nam
facebook tiktok youtube
Gửi bài
back-to-top
Bóng đá Bóng đá Việt Nam

Vết rách 12cm, quà sinh nhật Thành Chung không bao giờ quên!

Thứ tư, 08/09/2021 17:05 (GMT+7)

Hôm nay 8/9, Nguyễn Thành Chung đón sinh nhật thứ 24 nhưng không hề có món quà "đáng yêu" mừng tuổi mới nào bóng đá mang lại. Hôm qua, ĐT Việt Nam thua trận thứ hai liên tiếp tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á còn cá nhân trung vệ đa năng này, đối diện với nguy cơ nghỉ thi đấu dài hạn, vì một chấn thương "không nặng nhưng chẳng nhẹ chút nào".

“Tôi cũng đã lường trước được điều này”

Đó là phát biểu của trung vệ Nguyễn Thành Chung sau khi được xác định bị rách bắp chân phải dài tới 12cm sau trận đấu với Australia trên sân Mỹ Đình. Trước trận đấu với Saudi Arabia hôm 3/9, cầu thủ thuộc biên chế CLB Hà Nội đã bị rách bắp chân với chiều sâu từ 3-4 cm và chưa bình phục hẳn. Tuy nhiên, Thành Chung vẫn quyết tâm ra sân thi đấu trong cả hai trận, trước khi buộc phải rời sân vì quá đau đớn.

Quyết định của Thành Chung đến trong bối cảnh đội tuyển Việt Nam gặp khủng hoảng vị trí trung vệ, với trường hợp chấn thương của Bùi Tiến Dũng và tấm thẻ đỏ của Duy Mạnh. “Đội tuyển của chúng ta đang thiếu người. Với tôi, một khi tổ quốc cần thì anh em chúng tôi chả ngại gì cả, cứ vào sân là chiến hết mình thôi!”, trung vệ này nói thêm.

Vết rách cơ 12 cm của Thành Chung: Đừng 'bắt' cầu thủ phải đánh đổi - Ảnh 1

Trung vệ Nguyễn Thành Chung sau khi được xác định bị rách bắp chân phải dài tới 12cm sau trận đấu với Australia

Không khó để hiểu những tâm tư của Thành Chung. Được thi đấu cho đội tuyển quốc gia là một vinh dự thiêng liêng, là mệnh lệnh từ trái tim với mỗi cầu thủ Việt Nam. Chính tinh thần chiến đấu quả cảm, không ngại khó khăn của các tuyển thủ quốc gia đã chiếm trọn tình yêu của người hâm mộ Việt Nam. Ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, mỗi trận đấu của đội tuyển Việt Nam đều là lịch sử. 

Thành Chung biết rõ sự nghiệp có thể bị ảnh hưởng rất nhiều bởi quyết định ngày hôm qua. Theo chuyên gia Gurnaya Sing, trung vệ đội tuyển Việt Nam có thể sẽ phải nghỉ thi đấu đến 3 tháng với chấn thương rách bắp chân và có thể để lại những vết đau mãn tính. Ở một góc độ nào đó, không có gì quá khi nói Thành Chung đã hi sinh cho đội tuyển quốc gia. Chàng trai ấy vừa tròn 24 tuổi vào hôm nay. Một sinh nhật đắng ngắt với nỗi đau chấn thương.

Trung vệ Thành Chung không phải là trường hợp duy nhất thời gian qua. Trước đó, Đoàn Văn Hậu dù mới vừa bình phục chấn thương nhưng vẫn ra sân trong 3 trận đấu của đội tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022. Kết quả, hậu vệ này đã không thể thi đấu trong 2 trận đấu vừa qua.

Hay như trường hợp của Đình Trọng, không khó để tìm những bài báo nói về việc trung vệ này nén đau thi đấu ở trận chung kết AFF Cup 2018 hay trận gặp U23 Thái Lan ở vòng loại U23 châu Á một năm sau đó. Từ một trung vệ 'của hiếm' của bóng đá Việt Nam, sự nghiệp của Đình Trọng phải khựng lại vì chấn thương kéo dài dai dẳng.

Biểu hiện của nền bóng đá "chưa chuyên"

Nếu nhìn từ phía cầu thủ như Thành Chung hay Đình Trọng, cống hiến hết mình cho đội tuyển quốc gia là quyết định dũng cảm và đáng được khen ngợi. Tuy nhiên, không thể không đặt dấu hỏi về cách dùng người của ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam với các trường hợp chấn thương.

Ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam tất nhiên cũng có cái khó. Ở vòng loại World Cup 2022, chúng ta cần những cầu thủ tốt nhất và phù hợp nhất với ý đồ chiến thuật của HLV trưởng. Nguồn cung cầu thủ của đội tuyển Việt Nam cũng không thực sự dồi dào. Nhưng không vì thế mà tiếp tục để tình trạng các cầu thủ nén đau thi đấu, vì đó là biểu hiện của nền bóng đá không chuyên nghiệp.

Chấn thương là điều không ai mong muốn trong bóng đá nhưng không thể tránh khỏi. Đó là lý do vì sao mỗi đội bóng đều được đăng ký đến 23 cầu thủ để đề phòng những trường hợp chấn thương. Đội tuyển Việt Nam vẫn còn đó Bùi Hoàng Việt Anh và Văn Kiên ở vị trí trung vệ. Việc mạo hiểm sử dụng Thành Chung có thể ảnh hưởng đến kế hoạch sắp tới của đội tuyển Việt Nam và sự nghiệp của chính cầu thủ này.

Vết rách cơ 12 cm của Thành Chung: Đừng 'bắt' cầu thủ phải đánh đổi - Ảnh 2

Chàng trai ấy vừa tròn 24 tuổi vào hôm nay. Một sinh nhật đắng ngắt với nỗi đau chấn thương

Trong bài trả lời phỏng vấn với Thethao.vn, HLV Phạm Minh Đức đã kể lại những hậu quả lâu dài vì cố thi đấu khi gặp chấn thương thời còn là cầu thủ.

“Năm 2009 tôi bị chấn thương khi đang đá cho Hà Nội T&T và đó cũng là lý do dẫn đến quyết định dừng lại. Mọi thứ cũng vì những năm tháng trước mình cứ cố quá. Có những lúc chấn thương nhưng tôi tiêm vào để đá, cổ chân đau vẫn đá, vì mình còn trẻ mà. Nhưng đó cũng là bài học xương máu vì đến khi lớn tuổi rồi thì mình bị viêm tụy xương cổ chân. Chấn thương này rất lâu khỏi. Đá xong một trận đấu thì chân nhức không thể đi được. 

Ngày xưa tôi ít khi nghỉ lắm. Đau cũng băng chân, cắn răng vào mà đá bởi nếu không tập, không đá thì mất vị trí. Ngày xưa đau còn không dám nói với HLV. Cố cắn răng vào sân xong về còn trườm đá trộm.”

Hãy nhìn sang đối thủ của chúng ta ở trận đấu trên sân Mỹ Đình. Cầu thủ chạy cánh Martin Boyle của Australia gặp chấn thương gân khoeo và cơ hội ra sân là 50-50. Tuy nhiên, HLV Arnold quyết định không cho anh ra sân vì hai lý do: Thứ nhất, ông muốn bảo vệ sức khỏe của các cầu thủ. Thứ hai, ông cần những cầu thủ hoàn toàn khỏe mạnh để chơi hết sức mình trong 90 phút.

“Trước hết, chúng tôi phải bảo đảm quyền lợi của cầu thủ và đảm bảo rằng đội tuyển đang chăm sóc tốt họ. Martin Boyle đang trong tình trạng 50-50 nhưng ở vòng loại World Cup, chúng tôi cần những cầu thủ thi đấu đủ 90 phút với rất nhiều năng lượng”, HLV trưởng Australia cho biết.

So sánh với một nền bóng đá mạnh và chuyên nghiệp như Australia là khập khiễng. Tuy nhiên, đây cũng là một ví dụ cho thấy cầu thủ cần được bảo vệ nhiều hơn khi thi đấu cho đội tuyển quốc gia. Thi đấu cho đội tuyển quốc gia là vinh dự nhưng chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để họ không phải rơi vào cảnh phải lựa chọn đánh đổi sức khỏe và sự nghiệp của mình.

Nhìn từ chuyện của Công Phượng

Không chỉ ở thượng tầng, câu chuyện liên quan đến Công Phượng mới đây cũng khiến nhiều người suy nghĩ về áp lực phải hy sinh, phải cống hiến mà một bộ phận người hâm mộ đè nặng lên vai các cầu thủ. Cụ thể, tiền đạo Công Phượng bị nhiều người chỉ trích vì cho rằng cầu thủ này 'trốn' lên tuyển để ở nhà chăm vợ đẻ. Cầu thủ đang thi đấu cho HAGL chưa bao giờ đề cập đến chuyện này nhưng vẫn trở thành đối tượng bị tấn công trên mạng xã hội.

Mathew Leckie của Australia đã công khai từ chối thi đấu cho Socceroos ở đợt tập trung lần này vì muốn ổn định nơi ở mới cùng với gia đình trẻ. Một số cầu thủ khác đang thi đấu ở A-League không muốn lên tuyển vì sợ phải tiếp tục cách ly. Trước khi người hâm mộ bóng đá nước này kịp lên tiếng chỉ trích, đích thân HLV Arnold đã bảo vệ các học trò.

Vết rách cơ 12 cm của Thành Chung: Đừng 'bắt' cầu thủ phải đánh đổi - Ảnh 3

Theo chuyên gia Gurnaya Sing, trung vệ đội tuyển Việt Nam có thể sẽ phải nghỉ thi đấu đến 3 tháng với chấn thương rách bắp chân và có thể để lại những vết đau mãn tính

“Phía sau sân bóng, mỗi cầu thủ đều có những lý do và vấn đề cá nhân trong cuộc sống. Đối với nhiều cầu thủ, đó là việc cách ly 14 ngày khi trở lại Australia. Một số người trong đó đã phải cách ly 2 lần trong 6 tháng qua. Các cầu thủ cảm thấy họ không thể tiếp tục và tôi ở đây để hỗ trợ họ. Tôi ủng hộ quyết định của họ 100%”, HLV Arnold từng nói.

Ở đội tuyển Việt Nam, HLV Park Hang-seo cũng lên tiếng tôn trọng vấn đề cá nhân của Công Phượng. Không thể tưởng tượng Công Phượng sẽ phải hứng chịu cơn thịnh nộ gì từ cộng đồng mạng nếu anh trực tiếp đưa ra lý do tương tự như tiền đạo Mathew Leckie của Australia. Người viết, và có lẽ là gần 100 triệu CĐV ngoài kia luôn tin rằng cầu thủ Việt Nam sẽ chọn mạo hiểm ra sân để cống hiến cho màu cờ sắc áo. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các tuyển thủ và đội tuyển quốc gia cần được xét dưới con mắt lý tính hơn để đảm bảo quyền lợi cho các cầu thủ và 'sức khoẻ' của đội tuyển quốc gia, không chỉ là từ góc nhìn vĩ mô mà cả ở tâm lý dư luận.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá