Van Persie nhận cú lừa từ Sir Alex: Từ người hùng hóa judas, sự nghiệp xuống dốc không phanh
Thứ bảy, 30/12/2023 01:28 (GMT+7)
Sir Alex Ferguson sẽ không bao giờ thừa nhận điều này. Nhưng có thể nói chức vô địch Ngoại hạng Anh 2012/13 giúp ông giải nghệ trong vinh quang được xây dựng trên một sự lừa dối với Robin van Persie.
Ngày 8/5/2013, Sir Alex Ferguson tuyên bố chia tay Manchester United sau 27 năm dẫn dắt. Chiến lược gia 71 tuổi ở thời điểm ấy cũng thông báo kết thúc luôn sự nghiệp huấn luyện kéo dài 39 năm của mình. Trước thời điểm giải nghệ chỉ nửa tháng, HLV Alex Ferguson đã cùng Quỷ đỏ chính thức lên ngôi vô địch Ngoại hạng Anh mùa giải 2012/13 sớm 5 vòng đấu sau chiến thắng 3-0 trước Aston Villa. Đó cũng là chức vô địch Ngoại hạng Anh gần nhất của đội chủ sân Old Trafford.
Có thể Sir Alex sẽ không bao giờ thừa nhận điều này, nhưng chức vô địch Ngoại hạng Anh giúp ông giải nghệ trong vinh quang có thể phần nào được xây dựng trên một sự lừa dối.
Mùa giải 2011/2012, Manchester United bị đội bóng cùng thành phố nẫng tay trên chức vô địch, khi Man City ghi 2 bàn trong 4 phút bù giờ để giành lấy trọn vẹn 3 điểm ở vòng đấu cuối của giải Ngoại hạng Anh mùa đó. Qua đó, đội chủ sân Etihad có 89 điểm, bằng Man Utd nhưng vượt trội về hiệu số bàn thắng.
Chính thất bại không thể chấp nhận đó đã khiến Sir Alex Ferguson, người vốn đã dự định giải nghệ vào cuối mùa, tiếp tục ở lại Manchester United. Bởi ông muốn chia tay sân cỏ bằng một chức vô địch, và ông quyết tâm phải làm được điều đó.
Cũng trong mùa giải 2011/12, Arsenal cán đích thứ 3 trên bảng xếp hạng với 19 điểm kém hơn so với 2 đội bóng thành Manchester. Và toàn bộ công lao gần như đều thuộc về tiền đạo Robin van Persie, người ghi đến 30 bàn thắng và 13 kiến tạo trong 38 lần ra sân tại Ngoại hạng Anh. Sir Alex lập tức tìm ra ai sẽ là người giúp ông hoàn thành tâm nguyện của mình.
Tháng 8/2012, Manchester United đã vượt qua các đối thủ như Man City, Juventus, để chiêu mộ thành công tiền đạo người Hà Lan với mức giá 22 triệu bảng. Van Persie sớm chứng minh lựa chọn của Sir Alex là đúng. Ngay mùa đầu tiên chơi bóng tại Old Trafford, Van Persie ghi 26 bàn tại Ngoại hạng Anh, giúp Quỷ Đỏ tiến thẳng đến ngôi vô địch, xếp ngay trên đại kình địch Manchester City. Đó cũng là chiếc cúp vô địch nước Anh đầu tiên mà anh hằng mơ ước.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang với Van Persie. Khi vừa nhận cúp, HLV Ferguson đã lập tức tuyên bố giải nghệ. Cựu trung vệ Rio Ferdinand bày tỏ: “Khoảnh khắc Sir Alex Ferguson nói với chúng tôi trong phòng thay đồ tại Carrington rằng ông sẽ nghỉ hưu, tôi nhìn sang bên trái mình, cách khoảng 6 ngăn tủ, tôi thấy một Van Persie hoàn toàn suy sụp. Cậu ấy lắc đầu trong cơn sốc và dường như vô cùng chán nản. Robin chính là người cảm thấy đau đớn nhất trong toàn bộ đội hình”.
Chính Persie sau đó cũng thừa nhận cảm giác “đau đến tận cùng” khi nghe được điều anh không thể tưởng tượng nổi như thế. Anh thổ lộ: “Tôi đã thở hổn hển và lắc đầu không tin. Liệu ông có thực sự nói nghiêm túc? Một bầu không khí bao trùm thật đáng sợ, rồi sau đó ai nấy đều rưng rưng cảm xúc”.
Từ đó, chẳng còn ai nhận ra một van Persie mùa giải 2012/13 nữa. Anh lụi tàn dần trong màu áo đỏ, phải chuyển đến chơi bóng ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong màu áo Fenerbahce 3 năm từ 2015 đến 2018 và sau đó là Feyenoord từ 2018 đến 2019. Anh thi đấu phập phù, chấn thương liên miên. Người ta nói rằng tiền đạo Hà Lan không tự vượt qua được cái bóng của chính mình như khi có Sir, rằng chỉ vì ông nghỉ hưu mà Persie suy sụp. Để rồi đến tháng 5/2019, anh chính thức tuyên bố giải nghệ ở tuổi 35.
Trong lần đầu tiên trở lại Old Trafford với tư cách tiền đạo của đội đối thủ năm 2016, Persie ngậm ngùi nói trước báo giới, rằng có lẽ bây giờ anh vẫn đang ở bên kia chiến tuyển, đối đầu chính Fenerbahce nếu HLV Ferguson vẫn còn tại vị. Tiền đạo người Hà Lan nói: “Tôi quyết định tới Manchester United là bởi lời hứa của Sir Alex. Ông ấy nói sẽ ở lại đội bóng thêm 3 năm nữa, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của tôi. Tất nhiên, trong bóng đá mọi thứ đều có thể thay đổi, bạn có thể tự vẽ nên những dự tính của mình, nhưng của HLV thì không”.
Về phía Sir Alex, ông đã thừa nhận điều này, nhưng khẳng định những lời nói đó là chân thật. Mọi quyết định chỉ thay đổi sau khi chị dâu ông qua đời vào tháng 10 năm đó. Trong cuốn tự truyện của mình, Sir Alex có đoạn viết: “Tôi hi vọng không khiến một số cầu thủ thất vọng khi nói với họ sẽ ở lại thêm một vài năm nữa. Tôi đã nói với Robin van Persie và Shinji Kagawa rằng sẽ không nghỉ hưu sớm, và đó đúng là suy nghĩ của tôi khi nói ra điều đó”.
HLV người Scotland thực sự dồn hết tâm huyết cho đội bóng trước khi treo chấm dứt sự nghiệp chỉ đạo của mình. Bao gồm việc cho một trong những công thần của MU – tiền đạo Wayne Rooney xuống hàng tiền vệ để làm nhiệm vụ dọn chỗ cho cầu thủ đá cao nhất van Persie. Thậm chí trong cái ngày Manchester United sẵn sàng tinh thần để bước lên bục nhận cúp, gã Shrek thậm chí không có tên trong đội hình dự bị.
Để rồi sau ngày ông đi, những thứ còn lại ở Old Trafford là một van Persie bần thần vì sự ra đi của ông thầy yêu quý, là một Wayne Rooney giận dỗi, nhiều hơn 1 lần muốn rời khỏi CLB. Và tất cả những gánh nặng của một đội hình rệu rã đó đè lên đôi vai của David Moyes tội nghiệp. Từ đó đến nay, MU thời hậu Sir Alex vẫn chưa thể tìm lại ánh hào quang xưa, thậm chí luôn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh vào top 4 Ngoại hạng Anh.
Khi nghĩ đến hình ảnh van Persie chạy ra đường pitch ôm xốc ông thầy của mình để ăn mừng bàn thắng sau 10 trận liên tiếp tịt ngòi, có người hâm mộ nào cảm thấy cay đắng cho anh. Rời xa Ronaldo nhiều năm, Sir Alex vẫn luôn dõi theo, liên tục nhắc đến cầu thủ này với một niềm tự hào đặc biệt. Còn người đã giúp ông hoàn thành chặng đường vinh quang và giờ đã qua bên kia sườn dốc sự nghiệp, liệu ông có thường nhớ đến hay dằn vặt vì lời hứa không trọn vẹn của mình?