-->
iThethao.vn - Trang tin Thể Thao hàng đầu Việt Nam
facebook tiktok youtube
Gửi bài
back-to-top
Võ thuật Boxing

Tổng trọng tài VBF: Quy định cho khiếu nại của chúng tôi thoáng hơn AIBA, nhưng làm trọng tài mệt!

Thứ năm, 31/03/2022 06:00 (GMT+7)

Bên lề Giải vô địch Boxing các đội mạnh toàn quốc 2022, ông Nguyễn Văn Hiến, Tổng Trọng tài Liên đoàn Boxing Việt Nam (VBF) đã chia sẻ cùng Thethao.vn về cách thức tính điểm của Boxing thành tích cao hiện tại, cả về mặt mạnh cũng như những điểm hạn chế.

Hiện tại VBF đang chấm điểm các trận Boxing theo hệ thống điểm thế nào, cách thức thực hiện ra sao?

- Ông Nguyễn Văn Hiến: VBF chấm điểm theo luật của Hiệp hội Boxing Thế giới (AIBA). Đây là đơn vị tạo ra hệ thống chấm điểm, và để phục vụ điều đó, họ đặt hàng một nhà máy ở Đức, từ viết phần mềm đến phần cứng, để sản xuất thiết bị. Mọi giải đấu ở các giải quy mô quốc gia, quốc tế phải sử dụng thiết bị và chấm điểm theo hệ thống đó.

Tổng trọng tài VBF: Quy định cho khiếu nại của chúng tôi thoáng hơn AIBA, nhưng làm trọng tài mệt! - Ảnh 9
Tổng trọng tài VBF Nguyễn Văn Hiến chia sẻ cùng Thethao.vn

Từ ngày VBF nhận nhiệm vụ tổ chức các giải đấu, một trong những việc đầu tiên chúng tôi phải làm là đặt hàng mua những thiết bị này về. Bộ thiết bị giúp 5 giám định có máy chấm điểm kết nối với thiết bị tổng, qua đó hiển thị lên màn hình chấm điểm.

Về luật của AIBA thì đơn vị này luôn có sự cập nhật, thay đổi liên tục. Có lúc AIBA từng chấm theo hệ số điểm chuẩn 20, hoặc điểm chuẩn hệ số 10 (Ten-Point Must System), có lúc lại thay đổi chấm theo từng đòn đấm, quả đấm nào có điểm thì chấm cho đòn đó. Ở thời điểm hiện tại thì AIBA sử dụng hệ Ten-Point Must System.

Đầu tiên phải nói, trong 1 hiệp thi đấu Boxing thì không thể có hòa, phải chọn người thắng người thua. Người thắng được chấm 10 điểm, còn người thua có thể được chấm 9, 8 hoặc 7 điểm. Có thể 2 võ sĩ thi đấu không hay lắm, nhưng luôn phải chọn ra 1 người thắng để cho 10 điểm. Nếu chấm tỷ số điểm 9-8 thì máy sẽ không chấp nhận.

Tổng điểm của 3 hiệp đấu cộng lại sẽ ra kết quả và chọn ra võ sĩ thắng. Luật bây giờ quy định sau mỗi hiệp, Ban tổ chức phải hiển thị điểm cho công chúng cùng xem, nhưng 5 giám định cho điểm và trọng tài đài không được phép biết điểm đó. Việc này nhằm đảm bảo sự công tâm, vô tư khi chấm điểm cho các đoàn.

Tổng trọng tài VBF: Quy định cho khiếu nại của chúng tôi thoáng hơn AIBA, nhưng làm trọng tài mệt! - Ảnh 5
Mỗi hiệp đấu luôn có người thắng, kẻ thua như một trận đấu

Trong quá trình Giải vô địch Boxing các đội mạnh toàn quốc 2022 diễn ra, chúng ta có thể thấy sau hiệp 1, rồi hiệp 2 thì điểm đều được hiển thị lên cho mọi người theo dõi. Ngay cả điểm trừ của các võ sĩ cũng được hiển thị. Sau hiệp 3, máy sẽ tự động tính điểm tổng và giám sát dựa vào đó công bố người chiến thắng. Điểm cả 3 hiệp cũng hiển thị lập tức.

Vậy căn cứ vào đâu để chấm ra tỷ số 10-9, 10-8 hay 10-7. Khi một trận đấu mà 2 võ sĩ có trình độ quá chênh lệch thượng đài thì trọng tài phải làm gì?

Các giải Boxing VBF tổ chức hiện tại là theo chuẩn AOB - AIBA Open Boxing. Khi một võ sĩ bị trọng tài đếm, nằm sàn hoặc chấn thương thì không bị trừ điểm hay cộng điểm như luật Boxing của các tổ chức khác. Luật AIBA tính điểm theo đòn đấm, số lượng đòn đấm. Ngay cả khi đòn đấm đó gây thương tích, knock-out, khiến võ sĩ đối phương bị đếm thì vẫn chỉ được tính là 1 đòn có điểm.

Theo tôi biết, luật của những liên đoàn khác, nhất là trong thi đấu nhà nghề lại khác. Những cú đấm gây sát thương, khiến đối phương đo sàn, bị đếm thì được cộng thêm điểm so với những cú đấm trúng đích thông thường. Nhưng AIBA lại khác, với tiêu chí là tính số lượng những đòn đấm. Với AIBA, người tung 4 đòn đấm trúng sẽ có nhiều điểm hơn người đấm trúng 1 đòn, dù 1 đòn đó có thể gây knock-out.

Trừ trường hợp vận động viên bị trúng đòn knock-out ngay lập tức và bị xử thua, nếu anh ta vẫn đứng dậy tiếp tục thi đấu và tung nhiều đòn đấm trúng đích hơn thì chiến thắng. Trong trường hợp các võ sĩ có số đòn đấm bằng nhau, AIBA sẽ xét đến một số tiêu chí khác để xác định ai là người thắng, người thua trong hiệp đó.

Tổng trọng tài VBF: Quy định cho khiếu nại của chúng tôi thoáng hơn AIBA, nhưng làm trọng tài mệt! - Ảnh 2
Hệ thống chấm điểm hiện tại có ưu và nhược điểm nhất định

Hiểu đơn giản hơn, mỗi hiệp đấu của AIBA được tính như một trận đấu, luôn phải có người thắng người thua. Còn việc tính điểm 10-9 hay 10-8, 10-7 phụ thuộc vào nhận định của trọng tài giám định cho điểm. Tỷ số 10-8 là cách biệt rõ, còn 10-7 là cách biệt quá rõ.

Tỷ số 10-7 gần như không xuất hiện bởi khi đó, trọng tài đài sẽ phải vào can thiệp. AIBA không cho phép những trận đấu diễn ra trong tình trạng trừng phạt quá mức (2 võ sĩ có trình độ quá chênh lệch đấu với nhau). Với trọng tài đài, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của họ là bảo vệ sức khỏe của võ sĩ.

Hệ thống chấm điểm hiện tại có ưu và nhược điểm như thế nào, thưa ông?

Theo ý kiến cá nhân của tôi, hệ thống chấm điểm Ten-Point Must System hơi nguy hiểm. Nó chỉ hay với những trận đấu Boxing nhà nghề, nơi mỗi trận có 6 hiệp, 8 hiệp, 10 hiệp, 12 hiệp. Lúc đó số lượng hiệp đấu nhiều, chênh lệch điểm giữa các hiệp cộng dồn vào với nhau sẽ rất dễ nhìn thấy.

Việc áp dụng Ten-Point Must System cho các trận đấu 3 hiệp của Boxing Olympic có một số điểm hạn chế sau. Ví dụ như hiệp 1, võ sĩ ở góc đài đỏ thắng nhưng mơ hồ, không chênh lệch. Các trọng tài vẫn phải chọn ra người thắng để cho 10 điểm theo luật của AIBA, khi đó võ sĩ đỏ thắng 10-9.

Sang hiệp đấu thứ 2, võ sĩ đỏ vẫn thắng nhưng chỉ đấm trúng nhiều hơn đối phương 2 cú thôi nhưng về luật vẫn phải cho họ thắng. Khi ấy võ sĩ đỏ lại thắng 10-9. Đến hiệp 3 thì võ sĩ xanh vùng lên, tấn công ào ạt vào võ sĩ đỏ và giành chiến thắng, nhưng để tạo cách biệt tới mức được chấm điểm 10-8 thì rất khó, 10-7 lại càng khó hơn.

Tổng trọng tài VBF: Quy định cho khiếu nại của chúng tôi thoáng hơn AIBA, nhưng làm trọng tài mệt! - Ảnh 3
Nhiệm vụ hàng đầu của trọng tài đài là bảo vệ sức khoẻ của võ sĩ, không để những trận đấu quá chênh lệch diễn ra

Tại sao hiệp 3 lại khó tạo ra một chiến thắng cách biệt hơn 2 hiệp còn lại? Lúc ấy thể lực 2 võ sĩ đi xuống, và họ cũng dần thuộc đòn của nhau, biết cách ra đòn của nhau. Trong trường hợp có 1 trận hòa, các giám định sẽ bấm trực tiếp để biểu quyết xem võ sĩ nào thắng.

Về cách chấm điểm như thế, hiện chúng tôi đang khắc phục bằng cách nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ trọng tài. Nhưng cũng phải nói thêm là 1 trận đấu có 3 hiệp, mỗi hiệp kéo dài 3 phút nhưng rất nhiều tình huống xảy ra, rất nhiều cú đấm qua lại giữa hai bên. Những ai chỉ xem lướt qua và không rõ luật có thể sẽ khó hiểu vì sao lại có người thắng, kẻ thua với một trận đấu có diễn biến như ví dụ ở trên.

Để nhận định một cách công bằng và khách quan nhất, người xem cần hiểu luật của AIBA về cách cho điểm, đồng thời xem trận đấu ngay từ giây đầu tiên của hiệp đấu thứ nhất. Các võ sĩ và huấn luyện viên cũng cần hiểu luật để điều chỉnh. Nhưng ở một góc độ khác, tôi hy vọng sắp tới AIBA sẽ thay đổi luật này với những trận Boxing 3 hiệp. Nó khiến trọng tài nhiều lúc rơi vào tình trạng khó xử lý kết quả.

VBF có cơ chế nào để đảm bảo việc chấm điểm được thực hiện khách quan, công bằng? Liệu có cơ chế nào để đảm bảo 1-2 giám định sai không thể làm thay đổi kết quả trận đấu?

Theo quy định của AIBA, VBF cho phép các HLV được phép khiếu nại sau mỗi trận đấu. Trên thực tế, AIBA chỉ cho khiếu nại ở các giải quy mô thế giới, nhưng VBF tạo điều kiện mở cửa cho các đội được phép khiếu nại. Sau khi nhận đơn khiếu nại, sáng hôm sau VBF sẽ mời đại diện của 2 đội cùng đến xem, mổ băng và chấm điểm lại.

Tổng trọng tài VBF: Quy định cho khiếu nại của chúng tôi thoáng hơn AIBA, nhưng làm trọng tài mệt! - Ảnh 6
Một buổi họp mổ băng của VBF

Trên thực tế, AIBA chỉ cho phép khiếu nại 1 hiệp, được khiếu nại về hành vi trọng tài đài hoặc điểm các giám định đưa ra. HLV khiếu nại phải chứng minh được hành vi nào của trọng tài đài khiến trận đấu bị "bẻ" kết quả. Khác với AIBA, VBF tạo điều kiện cho HLV khiếu nại cả trận, mổ băng xem lại hết 3 hiệp.

Việc VBF có những quy định thoáng hơn AIBA về khiếu nại xuất phát từ việc chúng tôi phải điều chỉnh quy định quốc tế sao cho phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Đây cũng là một trong những việc được đưa ra để đảm bảo uy tín của VBF, giúp mọi trận đấu được diễn ra công khai, rõ ràng và minh bạch.

Nhưng việc mở cửa, cho khiếu nại cả trận thay vì khiếu nại hiệp khiến các trọng tài mệt mỏi hơn (cười). Từ việc chỉ phải xem lại 1 hiệp 3 phút, nay chúng tôi phải xem 3 hiệp 9 phút, quay chậm, xem lại từng tình huống gây tranh cãi mới có thể ra quyết định chính xác.

Cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ cùng Thethao.vn! Chúc ông và VBF sẽ tổ chức thêm nhiều giải đấu thành công trong thời gian tới.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá