-->
iThethao.vn - Trang tin Thể Thao hàng đầu Việt Nam
facebook tiktok youtube
Gửi bài
back-to-top
Bóng đá Bóng đá Đức

‘Thế hệ tan vỡ’ của bóng đá Đức

Chủ nhật, 10/09/2023 14:21 (GMT+7)

Không chỉ đội tuyển quốc gia nam mà cả nền bóng đá Đức đang bước vào giai đoạn có thể coi là đen tối nhất lịch sử với một “thế hệ tan vỡ” thiếu từ chuyên môn tới ý chí.

Trên sân nhà Volkswagen Arena, đội tuyển Đức với những lựa chọn gần như là tốt nhất trong tay HLV Hansi Flick đã không thể trả “món nợ” trước Nhật Bản tại World Cup 2022. Thậm chí, Die Mannschaft còn để thua theo cái cách thảm hại nhất, tồi tệ hơn rất nhiều so với những gì diễn ra trên đất Qatar. Tỉ số 1-4 là quá đủ ê chề và nhục nhã nhưng nếu các vị khách nắn nót hơn, kết quả có thể là 1-6 hay 1-7.

‘Thế hệ tan vỡ’ của bóng đá Đức - Ảnh 3
Thất bại đang trở thành thói quen với đội tuyển Đức

Theo thống kê, đội tuyển Đức không tung ra nổi cú dứt điểm nào trúng đích trong hiệp 2. Thủ môn Marc-Andre ter Stegen, dù phải vào lưới nhặt bóng tới 4 lần, cay đắng thay vẫn là người được chấm điểm cao nhất trong đội, với điểm 2 (trên thang điểm từ 1 đến 5, trong đó 1 là cao nhất). Kai Havertz, Nico Schlotterbeck cùng HLV Hansi Flick nhận điểm 6, tức là… điểm âm. Serge Gnabry, Emre Can, Antonio Rudiger rồi Niklas Sule cũng nhận về điểm 5.

Khác với World Cup 2022, thất bại của Đức trước Nhật Bản trên sân nhà không còn là một cơn địa chấn. 5 trận gần nhất, đoàn quân của HLV Flick để thua tới 4, trong đó trận duy nhất cầm hòa đối thủ cũng phải nhờ 2 bàn thắng muộn sau phút 80. Chưa bao giờ Die Mannschaft lạc lối, hoàn toàn mất thế chủ động như hiện giờ dù chướng ngại họ phải đối đầu có là ai.

Người hâm mộ tuyển Đức ngán ngẩm đến nỗi phải thừa nhận rằng nếu không phải chủ nhà EURO 2024, đội bóng của họ chắc chẳng qua nổi vòng loại. Nhiều người kêu gọi sa thải không chỉ HLV Flick mà là toàn bộ Liên đoàn bóng đá nước này (DFB), đồng thời… đuổi hết những cầu thủ hiện tại khỏi tuyển rồi trông chờ vào một ngày nào đó, sẽ có thế hệ mới đưa Die Mannschaft trở lại đỉnh cao. Còn giờ, đó là một “thế hệ tan vỡ” đã chẳng còn hy vọng gì nữa.

‘Thế hệ tan vỡ’ của bóng đá Đức - Ảnh 4
HLV Flick hoàn toàn bất lực với tình cảnh hiện tại

Đó thực sự là sự tuyệt vọng đã lên tới đỉnh điểm của người hâm mộ bóng đá Đức. Trong 16 trận gần nhất, đội tuyển từng 4 lần vô địch thế giới chỉ có vỏn vẹn 4 chiến thắng, thua tới 5 và hòa 7. Quan trọng hơn là lối chơi cùng màn thể hiện chưa bao giờ tệ đến thế, kèm theo vô số những lời hứa hẹn hão huyền từ HLV Flick cũng như quan chức DFB.

Giải pháp với DFB lúc này cùng lắm là sa thải Flick. Nhưng điều đó liệu có đủ để vực dậy đội tuyển Đức? Chiến lược gia từng “ăn 6” với Bayern Munich, rồi người có khả năng kế nhiệm ông suy cho cùng cũng chỉ là “vật tế thần” để lấp liếm một sự thực rằng nền bóng đá Đức đang chạm đáy.

Đức giờ vẫn còn những ngôi sao khoác áo các CLB hàng đầu châu Âu, thậm chí sắm vai trụ cột. Dù vậy, chất lượng chung đã giảm sút một cách quá rõ ràng. Điều đó được thể hiện rất rõ qua mùa hè vừa qua. Bayern Munich không bỏ ra dù chỉ 1 xu để mua cầu thủ người Đức nào, nhưng làm mọi cách để phá kỷ lục cho đội trưởng tuyển Anh Harry Kane, nỗ lực tới những giây cuối cùng nhằm sở hữu tiền vệ 21 lần khoác áo Bồ Đào Nha Joao Palhinha.

‘Thế hệ tan vỡ’ của bóng đá Đức - Ảnh 2
Đức đang phải trông chờ vào những cái tên không đủ đẳng cấp như Sule hay Can

Nhìn từ Bayern Munich, có thể thấy rõ sự đi xuống của đội tuyển Đức. Đã từ rất lâu, ngoài Manuel Neuer trong khung gỗ thì Hùm xám chẳng để hậu vệ người Đức nào trong đội hình xuất phát. Những trụ cột như Leon Goretzka, Leroy Sane hay Serge Gnabry thì phập phù, suất đá chính cũng chẳng được đảm bảo. 

Trước kia, nhắc tới Bayern Munich là nghĩ ngay đến một đội tuyển Đức thu nhỏ với bộ khung toàn các hảo thủ Đức tốt nhất. Giờ đây, Dortmund, một đội bóng chẳng bao giờ lớn, luôn chỉ là kẻ về nhì lại là CLB đóng góp nhiều thành viên nhất cho Die Mannschaft, đón nhận những “hàng thải” từ Hùm xám, thậm chí biến họ thành ông hoàng như Emre Can hay Niklas Sule.

Không đơn thuần là thiếu cầu thủ chất lượng ở một vài vị trí như tiền đạo cắm hay hậu vệ trái nữa, đội tuyển Đức giờ chẳng có ai thực sự sắm vai ngôi sao lớn. Họ không có một tài năng xuất chúng hẳn về mặt chuyên môn, cũng chẳng còn một thủ lĩnh tinh thần đủ cứng cỏi để vực dậy cả tập thể. Tất cả đều ở mức trung bình, có khi nhiều cái tên còn thuộc dạng làng nhàng.

‘Thế hệ tan vỡ’ của bóng đá Đức - Ảnh 1
Bóng đá Đức đang sở hữu một "thế hệ tan vỡ"

Sa thải Flick thực sự chỉ là giải pháp nhất thời, dù đúng là chiến lược gia này có nhiều quyết định rất bảo thủ về cả chiến thuật lẫn nhân sự. Nhưng ai sẽ là người dám gánh vác “thế hệ tan vỡ” này của đội tuyển Đức? Người kế nhiệm có là ai thì cũng khó lòng xoay sở với lứa cầu thủ vừa thiếu, vừa yếu từ chuyên môn tới ý chí hiện tại.

Sau 2 kỳ World Cup đội tuyển nam bị loại từ vòng bảng, trong năm nay bóng đá Đức tiếp tục chứng kiến đội U21 thành cựu vương châu Âu cũng từ vòng bảng, đội tuyển nữ cũng bị loại khỏi World Cup nữ từ vòng bảng. Rõ ràng, đó là một sự sụp đổ có hệ thống chứ không đơn thuần là cơn khủng hoảng manh nha từ cách đây vài năm.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá