EURO 2024

Tây Ban Nha và Đức bế tắc: Số 9, không ghi bàn được không?

Thứ tư, 16/06/2021 18:02 (GMT+7)

Khi Tây Ban Nha lập kỷ lục về số cú sút oanh tạc khung thành Thụy Điển (17 lần) rồi nhận về 0 bàn thắng, và Đức không có cách nào cào rách được áo giáp của đội tuyển Pháp trong một thế trận giằng co ngang ngửa, họ có lẽ đều nghĩ rằng mình đang thiếu một thanh gươm sắc.

Trăm dâu đổ lên đầu tiền đạo

Rất nhiều trong số 12.517 CĐV Tây Ban Nha có mặt tại Seville đã huýt sáo phản đối Alvaro Morata, sau khi anh bỏ lỡ một cơ hội mười mươi, với cú sút chệch cột ở cự ly rất gần. Lần đầu khi hiện tượng này xảy ra, Koke đã cố gắng kêu gọi những người hâm mộ ủng hộ Morata, và một số hưởng ứng bằng cách vỗ tay, nhưng nhanh chóng bị lấn át bởi những tiếng la ó. 

Marca giật tít rằng “cuộc tranh cãi về số 9 ở tuyển Tây Ban Nha lại được dấy lên”. Sau trận, Marcos Llorente phát biểu cảm thông: “Chúng tôi đều biết Morata quan trọng như thế nào. Tôi không nghĩ việc đó (huýt sáo) là tốt”. Tuy nhiên, thực tế rất tàn nhẫn: Tây Ban Nha không thể ghi bàn, và công chúng ngay lập tức lại nghĩ đến số 9 của họ.

Tây Ban Nha và Đức bế tắc: Số 9, không ghi bàn được không? - Ảnh 1

Người Đức còn tệ hơn: họ không có đủ chân sút tạo được áp lực lên khung thành của Pháp. Tờ Kicker bày tỏ sự thất vọng với các tiền đạo Đức: “Người Pháp chơi như chúng ta vẫn biết. Họ vui vẻ để đối phương có bóng. Không một cú sút trúng đích nào là thành tích ít ỏi của hiệp một (của tuyển Đức). Sang hiệp hai mạnh mẽ hơn, thì ít nhất một cơ hội ghi bàn đã bị Serge Gnarby bỏ lỡ, từ quả tạt của Robin Gosens năng nổ”.

Phút 74, sau khi chứng kiến sự bế tắc trên hàng công, HLV Joachim Lowe đã cố gắng sửa sai bằng cách lần lượt tung Timo Werner và Leroy Sane vào sân, nhưng ai cũng hiểu đây không phải những chuyên gia săn bàn thắng. Cuối trận, Kevin Volland vào sân và chìm nghỉm, hoàn tất nốt nhận định về cuộc khủng hoảng số 9 của người Đức.

Tiền đạo không biết sút dường như là mệnh đề dễ dàng nhất được tính đến, khi một đội bóng không thể ghi bàn, nhưng rốt cục thì điều này hiện còn đúng đến đâu?

Một tư duy khác

Sau trận đấu với Bồ Đào Nha trước thềm EURO 2020, khi Morata bị la ó vì cú sút vọt xà cuối trận, HLV Luis Enrique thậm chí còn tuyên bố tiền đạo này là nhân vật quan trọng trong lối chơi của đội tuyển, và “có lẽ họ (các CĐV nhà đã la ó) hiểu bóng đá hơn tôi”. Morata có thể không ghi bàn, nhưng trong các tình huống kết nối giữa hàng công và tuyến tiền vệ, anh là một nhân vật quan trọng.

Thực tế thì dù chưa bao giờ ghi quá 15 bàn một mùa, Morata đã liên tục được đứng trong đội hình các CLB hàng đầu trong suốt sự nghiệp của anh. Bạn có thể nhìn lại đội hình tuyển Đức: Timo Werner cũng thuộc dạng chân sút này. Tiền đạo của Chelsea có tốc độ, kỹ thuật và lối chơi đồng đội hợp lý, nhưng đặc biệt lóng ngóng trong những tình huống dứt điểm. Đưa bóng và bắt họ chắt chiu từng cơ hội một có vẻ là thử thách quá sức với những cầu thủ này.

Tây Ban Nha và Đức bế tắc: Số 9, không ghi bàn được không? - Ảnh 2

Hai hệ thống chơi bóng hiện tại của Tây Ban Nha và Pháp cơ bản dựa trên ý tưởng cổ điển rằng có thể dồn bóng cho các chân sút chuyên biệt, và chờ đợi họ làm nhiệm vụ của mình. Chính vì thế, khi những hệ thống này không cho ra bàn thắng, sự giận dữ đổ lên đầu các chân sút. Tất cả đều không thể chấp nhận được ý tưởng rằng có những số 9 lại không hề biết sút.

Nhưng bóng đá hiện đại đã thay đổi rất nhiều, và thực tế thì những số 9 không phải người săn bàn chủ lực giờ hóa ra lại nhan nhản. Werner không phải người ghi bàn, nhưng là một nhân vật quan trọng trong đội hình Chelsea vô địch Champions League mùa bóng vừa rồi. Roberto Firmino là một trong những cầu thủ đáng nói đến nhất của Liverpool nhiều mùa bóng vừa qua, nhưng anh cũng chưa bao giờ vượt qua mốc 15 bàn/mùa kể từ khi đặt chân lên đất Anh. Những người ghi bàn tốt nhất giờ thường xuất phát từ hai biên, như là Kylian M’Bappe (PSG) hay Mohamed Salah (Liverpool).

Tây Ban Nha và Đức bế tắc: Số 9, không ghi bàn được không? - Ảnh 4

Tại EURO 2012, Tây Ban Nha thậm chí đã lên ngôi với một lối chơi không tiền đạo, hay nói cách khác, ai cũng có thể là chân sút. Trong nhiều năm, cách chơi đồng đội đầy bản sắc của đội bóng này đã biến tiền đạo thành một khái niệm không còn quá cần thiết. Nếu bóng đưa được vào lưới thì đấy phải là kết quả của những phương án tấn công mới, không phải câu chuyện của một cá nhân được ưu tiên chơi gần khung thành.

Người Đức, với cuộc cách mạng bóng đá từ World Cup 2006, đã tìm ra các phương án để mở rộng không gian tấn công (Thomas Mueller và khái niệm Ramdeuter là để khai thác những khoảng trống này), hơn là phụ thuộc vào lối chơi ru ngủ rồi ghi bàn chộp giật nhờ các tiền đạo cổ điển.

Những phát kiến mới của lối chơi đồng đội chính là để giải quyết trạng thái hai mặt của các cá nhân, đôi khi cách xa nhau đến không thể tin nổi. Chỉ cách đây nửa năm thôi, Morata đã đánh đầu ghi một bàn thắng cực khó để mở tỉ số trong chiến thắng 6-0 của Tây Ban Nha trước chính đội tuyển Đức. Nhưng trước Thụy Điển, anh lại run chân đá ra ngoài từ khoảng cách chỉ mười mét. 

Tây Ban Nha và Đức bế tắc: Số 9, không ghi bàn được không? - Ảnh 3

Hôm nay, khi dư luận của hai nền bóng đá này lại phản ứng dữ dội với các tiền đạo, thì đây có lẽ là một bước lùi. Ý tưởng rằng một tiền đạo có thể không phải tay ghi bàn chủ lực tưởng như đã được chấp nhận từ lâu, giờ lại trở thành điều đáng bận tâm nhất, dù ai cũng hiểu rằng trong những ngày mong manh nhất, một chân sút tốt đến đâu cũng có thể ném những cơ hội rõ ràng qua cửa sổ. Vì họ là con người.