ONE Championship vs UFC: Điểm tương đồng, sự khác nhau và cách phân biệt
Thứ bảy, 29/05/2021 07:37 (GMT+7)
ONE Championship và UFC đều là những đấu trường hàng đầu về võ thuật, thể hiện sự đối kháng sức mạnh và đầy sự hấp dẫn. Tuy nhiên, mỗi giải đấu đều có những đặc trưng và sự khác biệt riêng.
Xét về mặt tuổi đời, UFC (Ultimate Fighting Championship) được coi là bậc đàn anh trong việc tổ chức sự kiện võ thuật, với chủ đạo là MMA. Ra đời năm 1993 tại Mỹ, cho đến nay, UFC là hiệp hội sánh ngang với FIFA trong bóng đá hay NBA của bóng rổ. Sau gần 30 năm, UFC đã nâng tầm nhiều võ sĩ như Demetrious Johnson, Anderson Silva hay Jon Jones. Độ phủ sóng của UFC là cực lớn khi họ tổ chức khoảng 40 sự kiện/năm, và được phát trên 149 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng 30 ngôn ngữ khác nhau.
Với ONE Championship, họ ra đời sau UFC gần 20 năm và đang gần chạm mốc 10 năm tuổi đời vào tháng 7 tới đây. Khác với UFC chỉ hướng đến MMA, thì ONE Championship còn tổ chức cả Muay Thái, và kickboxing. Được ra đời và có trụ sở ở Singapore, ONE Championship tập trung khai thác thị trường châu Á là chủ đạo. Họ đã tổ chức hơn 100 sự kiện cho đến nay với các chương trình tại các thành phố trên khắp châu Á cho đến thời điểm này, sở hữu lượng tiếp cận 1,7 tỷ người xem trên 138 quốc gia.
Không quá khi đánh giá rằng, việc tập trung vào thị trường châu Á là một nước đi khôn ngoan của đội ngũ lãnh đạo ONE Championship. Tổ chức của Chatri Sityodtong và Victor Cui gần như đã thống trị ở khu vực này, và dần khiến UFC thất thế khi muốn mở rộng "địa bàn" tới lục địa lớn nhất thế giới.
Sự khác biệt lớn nhất giữa ONE Championship và UFC có lẽ đến ở cách vận hành luật thi đấu tại riêng bộ môn MMA. Với việc là hiệp hội đi đầu trong tổ chức võ tự do, UFC đã xây dựng được những luật lệ nhất định ở môn thi đấu đối kháng được đánh giá là "không có luật". Hiện tại UFC sử dụng bộ luật MMA Unified Rules do Ủy ban thể thao Mỹ đề ra nhằm tránh những sát thương hay tổn thất đáng tiếc.
Cũng giống như UFC và nhiều giải đấu MMA khác, ONE Championship cấm rất nhiều đòn hiểm (cắm, chọc mắt, húc đầu, nắm tóc, bẻ ngón tay, móc vết thương hở…) cũng như một số hành vi gian lận (nắm giữ lồng sắt, kéo quần đối thủ…). Tuy vậy, ONE Championship vẫn sử dụng một bộ luật và cách tính điểm riêng do chính họ tự thiết lập, gồm các lối đánh được cho phép như kỹ thuật ra đòn vào vùng đầu khi đối thủ có 3 điểm chạm đất.
Tính chất lãnh thổ là một phần tạo nên thứ gọi là "văn hóa giải đấu". UFC đặt tên các sự kiện bằng cách đánh số, tương ứng với thứ tự sự kiện ấy được tổ chức, mang tính "khoa học" hơn. Dưới ảnh hưởng của truyền thông phương Tây, đặc biệt là tại Mỹ, những võ sĩ của UFC thường được xây dựng hình ảnh không khác gì ngôi sao trong giới show-biz. Thậm chí, họ còn được các ekip truyền thông tạo ra những Scandal, những lời công kích đối phương nhằm thu hút người xem.
Điều đó không phải không xuất hiện tại ONE Championship, nhưng đã được tiết chế đi khá nhiều. Thay vào đó, ONE Championship đánh vào tinh thần võ đạo của nền võ thuật Á Châu truyền thống. Bằng chứng nằm ngay ở tên gọi "hầm hố" của các sự kiện như Battle of Heroes (Đại chiến anh hùng), Destiny of Warriors (Định mệnh chiến binh), Immortal Triumph (Vinh quang bất tử),... ONE Championship coi mỗi trận đấu như một cuộc chiến bảo vệ danh dự vào nâng tầm niềm kiêu hãnh về võ thuật của mỗi võ sĩ. Đây là yếu tố khiến người châu Á thích theo dõi hơn.
UFC cũng đặt nặng tính chiến thắng lên tầm quan trọng nhất, thậm chí là bằng mọi giá. Những võ sĩ thắng cuộc sẽ có tất cả, trong khi kẻ chiến bại gần như có thể rơi vào quên lãng. Trong khi đó, ONE Championship bên cạnh việc tìm ra người giỏi nhất cũng tạo điều kiện để một võ sĩ có khả năng trở thành ngôi sao võ thuật chuyên nghiệp hàng đầu thế giới. Sự nâng tầm này càng ngày càng thu hút nhiều cái tên nổi bật gia nhập ONE Championship.