Nước mắt Naomi Osaka, phát bắn của Hoàng Xuân Vinh và sứ mệnh Olympic
Thứ bảy, 31/07/2021 05:00 (GMT+7)
Một phát đạn không trúng hồng tâm. Một cú đánh chệch dây. Một pha tiếp đất lỗi. Ranh giới giữa người thắng và kẻ bại, giữa người hùng và tội đồ luôn rất mong manh. Vận động viên nào cũng có thể mắc sai lầm, nhưng liệu họ có đáng trách?
Không ai muốn thua cuộc
Trước ngày Quách Thị Lan tranh tài ở đường chạy 400m vượt rào nữ, những VĐV có cơ hội giành huy chương cao nhất của đoàn thể thao Việt Nam đều đã dừng cuộc chơi. Hoàng Xuân Vinh không thể bảo vệ thành công tấm huy chương vàng anh từng giành được ở Rio 5 năm trước. Hoàng Thị Duyên kết thúc phần thi cử tạ ở vị trí thứ 5, Thạch Kim Tuấn không được xếp hạng.
Ở những môn còn lại như judo, rowing, quyền Anh, bắn cung, bơi, thể dục dụng cụ, cầu lông, các vận động viên Việt Nam đều sớm dừng bước. Trương Thị Kim Tuyền là người gần nhất với một tấm huy chương, nhưng cô không thể thành công ở trận tranh vé vớt giành HCĐ môn taekwondo. Thùy Linh thắng đến 2 trận vòng bảng cầu lông đơn nữ cũng không vượt qua được vòng bảng.
Viễn cảnh về một kỳ Olympic trắng tay hiện ra phía trước, và thế là các VĐV trở thành mục tiêu hứng chịu chỉ trích. Tại sao không thể lặp lại thành tích như trước kia? Tại sao lại không thể giành huy chương? Tại sao lại bắn trượt lúc cần bắn trúng nhất? Tại sao chấn thương vẫn ra sân thi đấu? Tại sao lại luôn gặp tâm lý những thời khắc quyết định?
>>> Hoàng Xuân Vinh, 'nhà vô địch đi xe buýt' khiến thế giới cảm phục
Hàng loạt câu hỏi tại sao đó nảy ra với tần suất dày đặc, và càng xuất hiện nhiều hơn trên mạng xã hội. Những vận động viên, đau đớn thay, lại phải trực tiếp nhìn thấy lời xúc phạm họ nặng nề ngay sau khi thất bại. Người "may mắn" nhất trong chuyện này có lẽ là Hoàng Xuân Vinh. Nhà vô địch Olympic duy nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam không dùng mạng xã hội.
Có rất nhiều lý do khiến VĐV không thi đấu với phong độ tốt nhất. Tuổi tác, thể trạng của bất cứ ai đều khác đi rất nhiều sau 5 năm. Giành huy chương vàng ở Olympic đã khó, bảo vệ nó còn khó hơn nữa khi VĐV vừa trải qua 1 năm tập luyện không như ý muốn vì đại dịch. Thay vì nhận chỉ trích, Hoàng Xuân Vinh xứng đáng nhận lời khen nhờ thi đấu quả cảm đến phát bắn cuối cùng.
Trên thực tế, Hoàng Xuân Vinh thi đấu không hề tệ ở vòng loại nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Từng có thời điểm anh lọt vào nhóm 10 người dẫn đầu, nhưng vài phát bắn không như ý muốn đã khiến nhà vô địch Olympic Rio tụt lại phía sau. Khoảng cách giữa Hoàng Xuân Vinh với những người lọt vào vòng chung kết chỉ là 5 điểm, cho thấy xạ thủ Việt Nam chỉ thiếu một chút may mắn.
"Tại Olympic, ranh giới giữa người chiến thắng và kẻ thất bại chỉ cách nhau một chút thôi. Đừng nói người thua lười biếng tập luyện hơn người thắng, bởi một VĐV đến được Olympic đã là nỗ lực hơn người rồi. Thành bại chủ yếu năm ở may mắn". Người nói những dòng trên không phải Hoàng Xuân Vinh mà là Mark Spitz, kỷ lục gia người Mỹ từng giành 7 huy chương vàng trong một kỳ Thế vận hội.
>>> Nguyễn Thùy Linh và nước mắt phía sau nụ cười bên sân cầu lông
Trước khi lập kỳ tích 7 HCV ở Olympic Munich 1972, Spitz cũng từng thất bại như bất cứ ai. Vì thế, cựu VĐV nay đã 71 tuổi nhắn nhủ tới người hâm mộ một thông điệp: Đừng chỉ trích VĐV khi họ thất bại. Hơn ai hết, VĐV luôn là người ghét thua cuộc nhất. Không ai muốn ra sân và phải nhận thất bại cả. Điều đó càng đúng với những người từng giành huy chương vàng Thế vận hội.
Hãy cho phép thất bại
"Tôi muốn gửi lời xin lỗi đến toàn thể người hâm mộ. Tôi bị mất tinh thần ở lượt bắn thứ tư". Hoàng Xuân Vinh đã nói vậy ngay sau khi biết kết quả ở vòng loại. Thay vì chỉ trích anh và nhiều vận động viên khác không chuẩn bị tâm lý tốt trước khi bước vào Olympic Tokyo, chúng ta hãy thử nhìn vấn đề theo một khía cạnh khác: Liệu các VĐV quốc tế có bị khớp tâm lý hay không?
Câu trả lời là có. Naomi Osaka đã không cập nhật dòng trạng thái nào trên Instagram kể từ lúc cô bị loại sớm ở môn quần vợt nội dung đơn nữ. Cô gái vui vẻ, yêu đời ngày nào chìm sâu vào khủng hoảng tâm lý. Tay vợt số 2 thế giới từng bị phạt nặng ở Roland Garros chỉ vì bỏ họp báo, khiến cô chán chường tuyên bố rút lui. Osaka còn bỏ Wimbledon trước khi trở lại thi đấu tại Olympic.
Kể từ lúc bước ra khỏi sân quần với khuôn mặt như thể vừa chứng kiến cảnh tận thế, Naomi Osaka hoàn toàn biến mất trước truyền thông. Không ai biết cô bây giờ ở đâu, đang làm gì. Mọi thứ ngỡ như chẳng hề tồn tại một vận động viên có tên Naomi Osaka, và nhà đương kim vô địch Australian Open và US Open không phải trường hợp duy nhất khủng hoảng tâm lý tại Olympic.
>>> Naomi Osaka mắt đẫm lệ sau thất bại ở Olympic Tokyo: ‘Tôi thua vì quá áp lực’
Được ví von là VĐV xuất sắc nhất lịch sử của môn thể dục dụng cụ, Simone Biles đến Tokyo với mục tiêu chinh phục 4 tấm huy chương vàng Olympic như cô từng làm ở Rio 5 năm trước. "Áp lực đè nặng quá lớn lên vai tôi", Biles chia sẻ trước ngày vào thi đấu chung kết. Cô là VĐV duy nhất tham gia toàn bộ nội dung cá nhân ở vòng đấu cuối cùng vì trách nhiệm mang huy chương về.
Biles ra sân với thể trạng không tốt, và điều phải đến đã xảy ra. Ở phần thi nhảy chống, cô gái 24 tuổi tiếp đất thất bại. Suýt nữa ngã khỏi sàn đấu, Biles nhận số điểm thấp chưa từng có. VĐV người Mỹ lấy lý do gặp chấn thương để rút lui khỏi những phần thi còn lại. Không có Biles, đội tuyển TDDC Mỹ nhận thất bại ở nội dung đồng đội lần đầu tiên sau 1 thập kỷ.
Naomi Osaka và Simone Biles là những VĐV đã vươn đến giới hạn cao nhất của môn thể thao họ thi đấu, nhưng vẫn không thể vượt qua gánh nặng tâm lý. Sự mệt mỏi và hoảng sợ dẫn đến phong độ chùng xuống, và thế là họ thất bại. Rất nhiều giọt nước mắt đã rơi trên gò má của Naomi Osaka. Ai cũng có thể gặp phải tổn thương tâm lý như vậy, và các vận động viên Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Chúng ta thường nghe thấy nhiều câu nói hoa mỹ như "Không có áp lực, không có kim cương"; "Áp lực lớn nhất là áp lực tự đặt lên vai mình". Những người nói như vậy thường thốt ra khi họ vừa giành chiến thắng. Nói cách khác, người thắng luôn đúng, dù phần lớn những điều họ nói ra thường sáo rỗng. Chẳng ai dám nói "Áp lực làm nên thành công" khi họ thất bại cả.
Trong giới y học thể thao, có một căn bệnh bí hiểm ít ai biết đến: Yips. Người mắc yips vẫn chơi tốt khi tập luyện, nhưng cứ vào giải là mắc lỗi. Những chuyên gia tâm lý học xuất chúng nhất cũng không dám nói yips có thể chữa khỏi hoàn toàn khi điều trị cho bệnh nhân, nhưng họ biết điều gì khiến bệnh nặng hơn: Gánh nặng tâm lý. Người mắc yips nặng có thể buộc phải giải nghệ sớm.
Ở Việt Nam, yips chưa được biết đến nhiều, và chỉ được đề cập rất sơ sài trong môn golf. Sẽ ra sao nếu như một vận động viên Việt Nam mắc yips mà ngay cả họ cũng không nhận ra? Vì thế, trước khi có thêm kiến thức về yips và những bệnh tâm lý trong thể thao, hãy cho các vận động viên được phép thất bại. Đó là điều tất yếu trong một cuộc chơi luôn có người thắng và kẻ bại.
Tìm về tôn chỉ Olympic
"Đừng gây áp lực phải giành huy chương lên vận động viên tham dự một kỳ Olympic. Mỗi kỳ Thế vận hội đón khoảng 10 ngàn vận động viên đến tham dự với tổng số 300 bộ huy chương. Tính ra trong 10 người đến tranh tài, chỉ có 1 người cầm huy chương về thôi". Đó là một tuyên bố khác của Mark Spitz về Olympic, cho thấy các VĐV không nên quá buồn khi trắng tay rời Olympic.
Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh mẽ hơn - Cùng nhau! Đó là khẩu hiệu được Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đặt ra, và hai chữ "Cùng nhau" mới chỉ xuất hiện tại Thế vận hội Tokyo. Chưa bao giờ những người tổ chức Olympic đưa ra mục tiêu phải giành huy chương. Nói cách khác, mục đích của một kỳ Thế vận hội chưa bao giờ là khuyến khích các VĐV chiến thắng bằng mọi giá.
Kể từ kỳ Olympic hiện đại đầu tiên được tổ chức, tôn chỉ của Thế vận hội luôn là khuyến khích thể thao phong trào phát triển. Khi đoàn Liên Xô xuất hiện tại Olympic 1948 với những VĐV được tập luyện bài bản, chuyên nghiệp, rất nhiều nước đã lên tiếng phản đối. Họ nói Liên Xô làm vậy là đi ngược lại tôn chỉ Olympic, nhưng rồi tất cả tìm mọi cách để kiếm nhiều HCV hơn cho mình.
Một trong những xu hướng rõ ràng nhất của bệnh thành tích trong thể thao là trào lưu nhập tịch cho những vận động viên nước ngoài. Vấn nạn doping cũng là điều làm cho thể thao đỉnh cao chứng kiến nhiều tượng đài dối trá như Lance Amstrong hay Marion Jones. Bị ám ảnh bởi thành công và danh vọng, họ tìm đủ mọi cách để giành chiến thắng mà vô tình quên đi tôn chỉ của Olympic.
May mắn là mỗi kỳ Thế vận hội đều có những điểm sáng tích cực, và Olympic Tokyo không phải ngoại lệ. Chứng kiến những cô bé 13-14 tuổi của Nhật Bản và Brazil tươi cười ôm lấy nhau ăn mừng giành huy chương ở môn trượt ván, người xem như thấy mình trẻ lại. Cảm giác vui tươi khi chơi môn thể thao mình yêu thích vốn là điều ai cũng có, nhưng ngày càng ít thấy khi mỗi người lớn lên.
Thi đấu ở Olympic và giành huy chương là kết quả tốt, nhưng nếu không giành huy chương thì sao? Chẳng sao cả. Để tránh sẽ có một Naomi Osaka, một Simone Biles thứ hai ở Thế vận hội, ít ngày trước một CĐV Nhật Bản đã tới trước cửa làng Olympic kèm biểu ngữ: "Ngay cả khi không giành được huy chương, các bạn vẫn là những người giỏi nhất. Hãy tin vào chính mình!".
Để VĐV luôn tin vào chính mình, ngoài bản thân họ, người hâm mộ cũng nên đồng hành và động viên. Những lời chế nhạo khi VĐV gặp thất bại cũng như cây đinh đóng vào tim họ. Dù cho sau này chúng ta có thể bù đắp lại bằng những lời khen, cây đinh được nhổ ra nhưng vẫn để lại một vết hằn không bao giờ phai. Và đó là vết hằn cắm thẳng vào tim.