iThethao.vn - Trang tin Thể Thao hàng đầu Việt Nam

Những VĐV nghèo đến Olympic Tokyo 2021 nhờ cộng đồng góp tiền, họ là ai?

Thứ tư, 21/07/2021 10:19 (GMT+7)

Hầu hết các VĐV tham dự Olympic Tokyo 2021 được quốc gia hoặc CLB chủ quản chăm sóc, đầu tư. Tuy nhiên có không ít người phải gây quỹ cộng đồng. Nghịch lý là những người này đều đến từ các cường quốc.

Zhang Beiwen (Mỹ, cầu lông)

Là nữ VĐV cầu lông số 1 nước Mỹ hiện tại, đứng thứ 14 trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF) nhưng Zhang lại đang lâm vào cảnh bần cùng. Cô đang phải sống dựa vào tiền gây quỹ của cộng đồng để ra nước ngoài thi đấu và tập luyện thường xuyên.

Những VĐV nghèo đến Olympic Tokyo 2021 nhờ cộng đồng góp tiền, họ là ai? - Ảnh 2
Zhang Beiwen phải xin tiền để dự Olympic.

Thông thường những VĐV cầu lông chuyên nghiệp như Zhang sẽ không được thể thao Mỹ tài trợ như những bộ môn khác. Cách tốt nhất để họ duy trì thu nhập là liên tục thi đấu những giải lớn để có tiền. Tuy vậy, dịch Covid-19 khiến mọi giải đấu lớn phải hoãn và Zhang không còn nguồn thu nhập nào khác cả.

"Hiện chỉ còn một số giải nhỏ tổ chức như ở Thụy Sĩ, Guatemala và Anh. Tuy nhiên ngay cả khi vô địch thì tiền thưởng của giải cũng không trang trải nổi chi phí", Zhang vừa nói vừa ước tính. Mỗi lần ra nước ngoài thi đấu của cô tiêu tốn khoảng 5000USD gồm vé máy bay, phí lưu trú và sinh hoạt.

Để tham dự Olympic Tokyo 2021, Zhang chỉ được Ủy ban Olympic Mỹ hỗ trợ kinh phí đi lại cho mình. Cô vẫn phải tự bỏ tiền túi trả tiền vé máy bay cho HLV và các khoản chi phí khác.

Sakura Kokumai (Mỹ, karatedo)

Dường như Mỹ chỉ đầu tư mạnh cho những môn họ chắc chắn có cơ hội giành huy chương vàng Olympic. Ngoài Zhang Beiwen, Sakura Kokumai cũng là một VĐV rất tài năng của Mỹ nhưng lại không được quan tâm đầu tư đúng mực. Cô hiện đứng thứ 5 thế giới mà vẫn không xoay nổi kinh phí đến Olympic Tokyo 2021.

Những VĐV nghèo đến Olympic Tokyo 2021 nhờ cộng đồng góp tiền, họ là ai? - Ảnh 3
Kokumai lâm vào cảnh bần cùng trước Olympic.

Sinh ra ở Hawaii, Kokumai có cha mẹ là người Nhật Bản đến Mỹ định cư. Cô bắt đầu học karatedo từ năm lên 7 tuổi, rồi quay lại cố hương để vừa học đại học, vừa tiếp tục tầm sư học đạo võ thuật. Để tập trung rèn luyện cho Olympic Tokyo 2021, Kokumai đã phải bỏ việc, vì thế gánh nặng tài chính đang khiến cô khốn đốn.

"Tôi chỉ còn một chút tiền trong tài khoản và có đúng 1 bộ quần áo được đoàn thể thao Mỹ cấp phát", Kokumai chia sẻ. Không có việc, không nhận được nhiều hỗ trợ, Kokumai lâm vào cảnh bần cùng. Cô phải bán xe hơi và thuê nhà trọ với giá rẻ mạt để có tiền thuê HLV trước Thế vận hội.

May mắn cho cô gái 28 tuổi này là chương trình gây quỹ của cô đã hiệu quả ngoài mong đợi. 5811USD được cộng đồng chuyển đến cô. Một số nhà tài trợ cũng đến và ký hợp đồng giúp Kokumai vượt qua khó khăn.

Peter Purcell-Gilpin (Zimbabwe, rowing)

Những VĐV nghèo đến Olympic Tokyo 2021 nhờ cộng đồng góp tiền, họ là ai? - Ảnh 4
Gilpin đã xin đủ tiền đến Olympic Tokyo.

Từ lâu lắm rồi, việc tranh tài ở một kỳ Thế vận hội là mơ ước của Peter Purcell-Gilpin. Khi biết tin mình vượt qua vòng đấu loại của Olympic Tokyo 2021, Gilpin chuyển tâm trạng từ vui sang buồn trong thời gian rất ngắn. Chính phủ Zimbabwe vẫn giữ nguyên mức trợ cấp 777USD/năm với VĐV này.

"Tôi hiểu Zimbabwe là một quốc gia đang phát triển, vì thế ngân sách dành cho thể thao không nhiều như những cường quốc khác. Mong các bạn có thể giúp tôi phần nào để thực hiện ước mơ", Gilpin nói. Anh vốn chỉ muốn nhận được 4165USD, nhưng cuối cùng cộng đồng đóng góp tới 7384USD.

Garrett Scantling (Mỹ, 10 môn phối hợp)

Những VĐV nghèo đến Olympic Tokyo 2021 nhờ cộng đồng góp tiền, họ là ai? - Ảnh 5
Scantling có hợp đồng tài trợ với Nike sau khi bày tỏ khó khăn.

5 năm trước, Scantling đứng thứ 4 ở vòng sơ loại 10 môn phối hợp và mất vé đến Thế vận hội. Để chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2021, anh không chỉ tập luyện chăm chỉ, mà còn tìm mọi cách thể hiện bản thân. Scantling thậm chí đã thử sức tại giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ nhằm rèn sức bền.

Hoạt động gây quỹ của Scantling trước thềm Olympic Tokyo đã vượt ngoài mong đợi. Anh được cộng đồng ủng hộ 7800USD và có một hợp đồng tài trợ với Nike.

Levern Spencer (Saint Lucia, nhảy cao)

Những VĐV nghèo đến Olympic Tokyo 2021 nhờ cộng đồng góp tiền, họ là ai? - Ảnh 6
Kỳ Olympic cuối cùng của Spencer quá nhiều khó khăn.

Là một trong những cựu binh dạn dày kinh nghiệm đến với Olympic Tokyo 2021, Levern Spencer từng góp mặt ở 3 kỳ Thế vận hội trước đó. Ở tuổi 38, đây có thể là giải đấu lớn cuối cùng trong sự nghiệp của cô. Spencer hy vọng mình có thể giành huy chương Olympic đầu tiên cho quê nhà.

Bản thân Spencer không muốn gây quỹ cộng đồng, nhưng khi thấy cô quá khó khăn, Cộng đồng người Saint Lucia ở nước ngoài đã thực hiện điều đó. 7200USD quyên góp được giúp Spencer có thêm điều kiện cạnh tranh với các đối thủ khác đến từ châu Âu và Mỹ.