-->
iThethao.vn - Trang tin Thể Thao hàng đầu Việt Nam
facebook tiktok youtube
Gửi bài
back-to-top
Tiểu Sử Vận động viên

Nguyễn Thị Ánh Viên là ai? Tiểu sử, sự nghiệp ‘Tiểu tiên cá’ - cô gái Vàng trong làng bơi Việt Nam

Thứ ba, 20/09/2022 01:57 (GMT+7)

Nguyễn Thị Ánh Viên là ai? Tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp của kình ngư được biết đến với biệt danh ‘Tiểu tiên cá’ hay ‘cô gái Vàng trong làng bơi Việt Nam’ có gì đặc biệt? Thethao.vn hy vọng giải đáp phần nào những thắc mắc ấy.

Nguyễn Thị Ánh Viên là vận động viên xuất sắc nhất lịch sử bơi Việt Nam. Khi còn thi đấu, ‘Tiểu tiên cá’ từng chinh phục thành công tới 25 Huy chương Vàng SEA Games cùng nhiều thành tích cao tại các giải trong nước và quốc tế. Với 25 HCV, Ánh Viên thuộc Top 5 vận động viên giành nhiều Huy chương vàng nhất lịch sử các kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á.

Nguyễn Thị Ánh Viên là ai? Tiểu sử, sự nghiệp ‘Tiểu tiên cá’ - cô gái Vàng trong làng bơi Việt Nam - Ảnh 2
Nguyễn Thị Ánh Viên là kình ngư xuất sắc nhất lịch sử bơi Việt Nam

Vậy Nguyễn Thị Ánh Viên là ai, tiểu sử ra sao? Cuộc đời và sự nghiệp của Tiểu tiên cá - Cô gái Vàng trong làng bơi Việt Nam có gì đặc biệt? Hãy cùng Thethao.vn tìm hiểu nhé!

1. Tiểu sử Nguyễn Thị Ánh Viên

Nguyễn Thị Ánh Viên sinh ngày 9/11/1996 tại ấp Ba Cau, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Cô là cựu vận động viên bơi thuộc Đoàn Thể thao Quân đội và đội tuyển bơi Việt Nam.

Ánh Viên sinh ra trong một gia đình thuần nông. Bố cô là ông Nguyễn Văn Tác, mẹ cô là Nguyễn Thị Ánh Hồng. Em trai của cô là Nguyễn Quang Thuấn - ngôi sao đang lên của làng bơi Việt Nam.

Từ nhỏ, chị em Ánh Viên được chăm sóc chủ yếu bởi ông bà nội. Ông nội của Ánh Viên (Nguyễn Văn Tới) cũng là người đã dạy bơi cho cô.

Tháng 4/2011, Ánh Viên chính thức trở thành thành viên của đội tuyển bơi Việt Nam. Đây là điểm khởi đầu cho hành trình chinh phục nhiều Huy chương vàng các giải trong nước, SEA Games cũng như quốc tế của ‘Tiểu tiên cá’.

Ánh Viên trở thành vận động viên đầu tiên của Việt Nam được đầu tư trọng điểm. Việc tập huấn dài hạn trong 6 năm tại Floria (Hoa Kỳ) của cô có kinh phí lên tới hơn 20 tỷ đồng.

Nguyễn Thị Ánh Viên là ai? Tiểu sử, sự nghiệp ‘Tiểu tiên cá’ - cô gái Vàng trong làng bơi Việt Nam - Ảnh 6
Ánh Viên và em trai - kình ngư Nguyễn Quang Thuấn

Tháng 8/2013, Ánh Viên được Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đặc cách trao cho quân hàm Thượng úy. Đầu năm 2014, cô được Bộ Quốc Phòng thăng quân hàm từ Thượng Úy lên Đại Úy trước niên hạn. Lúc ấy, Ánh Viên mới chỉ 17 tuổi. Sau SEA Games 28 (2017), Ánh Viên được đề xuất thăng quân hàm từ Đại úy lên Thiếu tá.

Tháng 11/2021, Tổng cục Thể dục Thể thao chấp thuận nguyện vọng giải nghệ của Ánh Viên. Đó là lý do cô không tranh tài tại SEA Games 31, giải đấu mà ĐT bơi Việt Nam giành được 11 Huy chương vàng, chỉ sau Singapore (21 HCV).

2. Sự nghiệp bơi của Nguyễn Thị Ánh Viên

2.1 Vươn lên đỉnh cao

Ngay từ lúc 3 tuổi, Nguyễn Thị Ánh Viên được ông nội cho tập bơi. Đến khi học lớp 5, cô được nhà trường chọn đi thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện. Giành được thành tích cao, Ánh Viên tiếp tục tranh tài tại Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố. Tại đây, Ánh Viên được các huấn luyện viên của Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 (Quân khu 9) lựa chọn.

Tại Trung tâm TDTT Quốc phòng 4, Ánh Viên luyện tập, thi đấu dưới sự dẫn dắt của HLV Đặng Anh Tuấn. Chỉ mới 16 tuổi, Ánh Viên đã sở hữu chiều cao 1m7, sải tay dài 1m78, bàn chân to và có các nhóm cơ suôn dài. Đây là những tố chất thích hợp với môn bơi.

Nguyễn Thị Ánh Viên là ai? Tiểu sử, sự nghiệp ‘Tiểu tiên cá’ - cô gái Vàng trong làng bơi Việt Nam - Ảnh 3
Nguyễn Thị Ánh Viên giành tổng cộng 25 Huy chương vàng SEA Games trong sự nghiệp - Ảnh: FBNV

Tháng 4/2011, Ánh Viên chính thức được triệu tập vào Đội tuyển quốc gia. Chỉ 1 tháng sau đó, cô giành HCV ở cả 10 nội dung tham dự tại giải bơi các lứa tuổi Vô địch quốc gia tại Đà Nẵng. Có đến 7 kỷ lục quốc gia bị cô gái 15 tuổi này phá. Cô trở thành vận động viên phá nhiều kỷ lục quốc gia nhất trong cùng 1 giải đấu.

Cuối năm ấy, Nguyễn Thị Ánh Viên tham dự SEA Games 26. Ngay trong lần ‘trình làng’ tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á, Ánh Viên đã đi vào lịch sử bơi nước nhà khi trở thành nữ kình ngư đầu tiên giành huy chương ở nội dung 400m hỗn hợp cá nhân nữ.

Năm 2012, tại Giải vô địch bơi Đông Nam Á (Singapore), Ánh Viên giành 5 HCV và phá 4 chuẩn B Olympic. Ở nội dung 400m cá nhân hỗn hợp, cô về nhất với thành tích 4 phút 50 giây 27 - vượt kỷ lục SEA Games 26 lẫn chuẩn B Olympic (4 phút 51 giây 75). Cũng trong năm này, Ánh Viên đại diện cho Việt Nam thi đấu tại Olympic London với 2 nội dung: 200m ngửa và 400m hỗn hợp cá nhân.

Tháng 8/2013, Nguyễn Thị Ánh Viên giành được 4 huy chương tại Đại hội Thể thao trẻ châu Á lần 2 diễn ra ở Nam Kinh (Trung Quốc). Có tới 3 trong số này là HCV (50m ngửa, 200m ngửa, 200m hỗn hợp cá nhân). Đến SEA Games 27 diễn ra tại Myanmar, Ánh Viên giành được 6 huy chương - trong đó có 3 HCV. Cô lập 2 kỷ lục SEA Games: 200m ngửa (2 phút 14 giây 80) và 400m hỗn hợp (4 phút 46 giây 16).

Tính đến thời điểm ấy, Ánh Viên đã trở thành nữ vận động viên bơi thành công nhất lịch sử. Danh xưng ‘kình ngư số 1 Việt Nam’, ‘cô gái thép’… gắn liền với sự nghiệp của cô kể từ đây.

2.2 Duy trì đỉnh cao

Trong thời gian đầu của quá trình tập huấn tại bang Floria (Hoa Kỳ), Nguyễn Thị Ánh Viên thi đấu cho CLB Saint Augustine. Sau đó, Ánh Viên gia nhập Ebiscobal và được dẫn dắt bởi Cray Anthony Teeters - chuyên gia hàng đầu của làng bơi xứ sở cờ hoa.

Nguyễn Thị Ánh Viên là ai? Tiểu sử, sự nghiệp ‘Tiểu tiên cá’ - cô gái Vàng trong làng bơi Việt Nam - Ảnh 4
Nguyễn Thị Ánh Viên thống trị các 'đường đua xanh' trong nước và khu vực - Ảnh: FBNV

Tháng 3/2014, Ánh Viên phá kỷ lục nội dung 400m hỗn hợp của Giải bơi Mùa xuân bang Florida. Giải đấu này chứng kiến cô giành tổng cộng 6 huy chương: 4 HCV, 3 HCB. Tới tháng 8 cùng năm, Ánh Viên chinh phục thành công Huy chương vàng nội dung 200m hỗn hợp tại Olympic Trẻ (diễn ra tại Nam Kinh - Trung Quốc). Tháng 9/2014, cô giành 2 huy chương tại ASIAD 2014: HCĐ nội dung 200m hỗn hợp và HCB nội dung 200m hỗn hợp.

Năm 2015, Ánh Viên tham dự FINA World Cup và để lại nhiều dấu ấn. Ở chặng 1 diễn ra tại Moscow (Nga), cô giành HCĐ nội dung 200m hỗn hợp và HCB nội dung 400m hỗn hợp. Tới chặng 2 diễn ra tại Paris (Pháp), Ánh Viên mang về 1 HCB ở nội dung 400m hỗn hợp cá nhân.

Cuối năm 2015, Nguyễn Thị Ánh Viên tham dự SEA Games 28 tại Singapore và trở thành vận động viên thống trị ‘đường đua xanh’ dành cho nữ. Cô giành tổng cộng 10 Huy chương - bao gồm cả 8 HCV và phá 3 kỷ lục.

Tới SEA Games 29, Ánh Viên tái lập thành tích giành 8 Huy chương vàng tại kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần trước. Bên cạnh đó, cô còn giành 2 HCB. Sự kiện diễn ra tại Malaysia này chứng kiến nữ kình ngư số 1 Việt Nam phá 3 kỷ lục.

2.3 Thành tích đi xuống và giải nghệ

Sau SEA Games 29, Nguyễn Thị Ánh Viên không còn gặt hái được những thành công như giai đoạn trước đó. Điều này xuất phát từ việc tập luyện, thi đấu liên tục cùng những áp lực về thành tích.

Trước khi ASIAD 2018 khởi tranh, HLV Đặng Anh Tuấn bất ngờ tiết lộ rằng Ánh Viên từng xuất hiện dấu hiệu trầm cảm vì chịu quá nhiều áp lực về thành tích. ‘Tiểu tiên cá’ phải nhờ tới sự can thiệp của bác sĩ tâm lý trong khoảng 3 tháng.

Nguyễn Thị Ánh Viên là ai? Tiểu sử, sự nghiệp ‘Tiểu tiên cá’ - cô gái Vàng trong làng bơi Việt Nam - Ảnh 1
Ánh Viên thuộc Top 5 vận động viên giành nhiều HCV nhất lịch sử SEA Games - Ảnh: FBNV

Tại SEA Games 30 (diễn ra vào năm 2019 tại Philippines), Ánh Viên vẫn là ‘mỏ vàng’ của Đoàn Thể thao Việt Nam. Cô giành được 6 HCV, 2 HCB và được bình chọn là Vận động viên xuất sắc nhất. Tuy nhiên, thành tích này dưới sự kỳ vọng của Ánh Viên bởi cô đặt mục tiêu mang về ít nhất 8 HCV như 2 kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á trước đó.

Đầu năm 2020, Nguyễn Thị Ánh Viên kết thúc chuyến tập huấn tại Hoa Kỳ. Cô về nước và ít tham dự các giải quốc tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-2019.

Tại Giải bơi vô địch quốc gia 2021 diễn ra vào tháng Tư năm ngoái, Ánh Viên giành tới 17 Huy chương vàng đồng thời phá 4 kỷ lục quốc gia. Thành tích này đóng góp lớn vào vị trí nhất toàn đoàn của Đoàn Thể thao Quân đội.

Tháng 7/2021, Ánh Viên tham dự Olympic Tokyo với 2 nội dung: 200m tự do và 800m tự do. Cô không vượt qua được vòng loại của cả 2 nội dung này.

Ngày 8/10/2021, Nguyễn Thị Ánh Viên đưa ra nguyện vọng giải nghệ để dành nhiều thời gian hơn cho bản thân cũng như tiếp tục việc học. Tới ngày 16/11/2021, nguyện vọng ấy được Tổng cục Thể dục Thể thao Việt Nam đáp ứng.

3. Đôi nét về đời tư của Nguyễn Thị Ánh Viên

Mạnh mẽ trên ‘đường đua xanh’ nhưng Ánh Viên ngoài đời là một cô gái hiền lành và có phần nhút nhát. Cô yêu thích môn lịch sử và ngán nhất là ăn. Cũng phải thôi, với chế độ ăn uống nghiêm ngặt của vận động viên đỉnh cao, hàng ngày Ánh Viên có 4 bữa ăn chính, chưa kể các bữa phụ. Bữa chính có ít nhất 1 kg thịt bò, 50 con tôm, 1 đĩa mỳ to, 1 đĩa rau trộn và 1 lít sữa tươi.

Nguyễn Thị Ánh Viên là ai? Tiểu sử, sự nghiệp ‘Tiểu tiên cá’ - cô gái Vàng trong làng bơi Việt Nam - Ảnh 5
Nguyễn Thị Ánh Viên giản dị sau khi giải nghệ

Vì phải thường xuyên tập huấn và thi đấu, Ánh Viên không có nhu cầu chi tiêu cho bản thân. Đa phần tiền lương và tiền tưởng nhận được, cô đều gửi về cho cha mẹ. Nhờ số tiền ấy mà gia đình của ‘Tiểu tiên cá’ đã xây được nhà cửa khang trang.

Cái tên Nguyễn Thị Ánh Viên có lẽ không bao giờ đi vào lịch sử bơi Việt Nam, thể thao Việt Nam nói riêng và thể thao Đông Nam Á nói chung nếu không có một… sự nhầm lẫn. Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, ông bà ban đầu định đặt tên con mình là Ánh Duyên. Tới khi làm thủ tục thì lại khai nhầm thành Nguyễn Thị Ánh Viên.

4. CÁC KỶ LỤC SEA GAMES CỦA ÁNH VIÊN

NỘI DUNG THÀNH TÍCH THỜI GIAN LẬP SỰ KIỆN
200m tự do 1:59.24 9 tháng 6 năm 2015 SEA Games 28
400m tự do 4:08.66 10 tháng 6 năm 2015 SEA Games 28
800m tự do 8:34.85 6 tháng 6 năm 2015 SEA Games 28
100m ngửa 1:01.89 21 tháng 8 năm 2017 SEA Games 29
200m ngửa 2:13.64 22 tháng 8 năm 2017 SEA Games 29
200m bướm 2:11.12 9 tháng 6 năm 2015 SEA Games 28
200m hỗn hợp 2:13.53 7 tháng 6 năm 2015 SEA Games 28
400m hỗn hợp 4:42.88 6 tháng 6 năm 2015 SEA Games 28

 

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá