Nguyễn Thành Chung: Chàng trai nhỏ trở thành điểm tựa cho ĐT Việt Nam nhờ tình yêu của mẹ
Thứ tư, 08/09/2021 18:30 (GMT+7)
Từ một cậu nhóc còi cọc, nhút nhát tại Tuyên Quang, Nguyễn Thành Chung từng bước trở thành ngôi sao của CLB Hà Nội, điểm tựa mới của ĐTQG Việt Nam. Hành trình đó có lẽ không xảy ra nếu Chung không nhận được tình yêu vô bờ bến của mẹ, người không chỉ bươn chải kiếm sống mà còn nuôi dưỡng giấc mơ cầu thủ của cậu con trai út.
Nuôi dưỡng giấc mơ cùng tình yêu của mẹ
Nguyễn Thành Chung sinh ngày 8/9/1997 tại tỉnh Tuyên Quang. Anh là con út trong gia đình có hai anh em trai. Tình yêu với trái bóng đến với Thành Chung từ rất sớm và mẹ anh, bà Nguyễn Ánh Tuyết đã làm mọi cách để giúp cậu con trai thỏa mãn đam mê.
Từ năm Chung học tiểu học, mẹ đã cho anh đi học năng khiếu sân vận động tỉnh. Thời đó, bà vừa bán hàng, vừa tranh thủ buổi chiều đạp xe đưa đón con đi học. Mọi thứ đều rất khó khăn và thiếu thốn, nhưng mẹ Chung chưa bao giờ để anh bỏ lỡ một buổi tập nào. Phải hơn một năm sau, mẹ anh mới tiết kiệm mua được một chiếc xe máy cũ. Hành trình của hai mẹ con đỡ vất vả hơn.
Dù vậy, Chung vẫn thua thiệt với nhiều bạn bè. Theo mô tả của bà Tuyết, Chung khi nhỏ chỉ bé bằng… cái kẹo, lọt thỏm giữa các đồng đội. Ở thời điểm đó, không riêng gì Chung, mà đa số các cầu thủ nhí tại Tuyên Quang đều không có điều kiện ăn uống, bồi bổ dinh dưỡng như các vận động viên đỉnh cao. Mẹ Chung thương con, cũng chỉ có thể thi thoảng đổi bữa cho con ăn ít thịt bò, thêm vài hộp sữa. Tất cả những gì trong khả năng, mẹ Chung đều cố gắng làm điều tốt nhất cho anh.
Câu chuyện của Chung có lẽ sẽ dễ dàng hơn nếu anh nhận được tình cảm từ người bố. Tuy nhiên, bố Chung bỏ nhà đi từ khi anh còn nhỏ. Năm ngoái, Chung thừa nhận anh thậm chí không nhớ nổi mặt bố. Trung vệ của Hà Nội tin rằng anh chưa sống với bố ngày nào. Nhắc đến chuyện này để thấy sự hy sinh của bà Tuyết đặc biệt đến đâu.
Thông thường ở Việt Nam, các bà mẹ hiếm khi ủng hộ con trai mình đi đá bóng chuyên nghiệp. Một là cạnh tranh khó khăn, ảnh hưởng đến việc học hành mà không biết tương lai đi đến đâu. Hai là xót con. Đá bóng va chạm mạnh, chấn thương là điều không ai có thể lường trước hay tránh được. Không những vậy, phải bỏ dở cả công việc để đưa đón con đi đá bóng trường kỳ là điều mà ngay cả các ông bố cũng chưa chắc làm được.
Thực tế, ban đầu bà Tuyết cũng không đồng ý cho Chung đi đá bóng sau khi anh chàng thi đỗ vào đội tuyển tỉnh. Nhưng thấy con buồn vì phải ở nhà, cộng thêm sự thuyết phục từ HLV đội bóng nhi đồng Tuyên Quang khi đó - thầy Hùng, mà bà quyết định chiều ý con. Và một khi đã quyết, mẹ Chung không bao giờ bỏ giữa chừng. Trong suốt hành trình của cầu thủ này từ Tuyên Quang đến đội trẻ Hà Nội và lên đội một, bà Tuyết luôn đồng hành cùng anh.Ấy vậy mà mẹ Chung vẫn luôn cần mẫn và kiên nhẫn. Cũng không hẳn vì bà tin tưởng vào tài năng con trai, mà đơn giản vì bà chỉ muốn con vui, bù đắp cho cậu con nhỏ những thiếu thốn về tinh thần.
Chính tình yêu vô điều kiện của mẹ đã giúp Chung nỗ lực hơn, quyết tâm hơn và không bao giờ có khái niệm bỏ cuộc. Mỗi khi bước ra sân, Chung hẳn luôn có một khoảnh khắc thoáng qua nghĩ về những ngày ngồi sau lưng mẹ, ê ẩm trên gác ba ga xóc nảy, vượt đường dài đến với trái bóng thời thơ bé. Hành trình đó sẽ trở nên vô nghĩa nếu Chung không phấn đấu từng ngày để đạt thành công.
Từ John O’shea của Hà Nội đến điểm tựa của ĐT Việt Nam
Sự nghiệp của Thành Chung cho đến bây giờ chưa khi nào được trải thảm đỏ. Để có được vị trí ngày hôm nay, cầu thủ người Tuyên Quang đã nỗ lực gấp đôi bạn bè. Bộc lộ tài năng từ rất sớm. Chỉ hơn một năm sau khi vào đội nhi đồng tỉnh, Thành Chung được CLB bóng đá trẻ Hà Nội T&T tuyển chọn.
Khi đó, Chung vừa tròn 10 tuổi. Mẹ Chung quyết định xuống Hà Nội cùng anh, thuê trọ, mở cửa hàng, quán nước ngay gần sân bóng để chăm sóc con trai. Đó cũng là những ngày tháng đáng nhớ với Chung, khi anh dần phải học cách sống xa mẹ. Từ khi thi đấu cho các đội U15, U17 và U19 của Hà Nội, Chung thường xuyên phải sinh hoạt tập trung cùng đội bóng và đi xa nhà.
Năm 2015, anh cùng 15 cầu thủ trẻ khác của Hà Nội chuyển sang thi đấu cho CLB bóng đá Công An Nhân Dân theo dạng cho mượn ở giải hạng Nhất, dưới sự dẫn dắt của HLV Phạm Minh Đức. Đây cũng chính là mùa giải ra mắt bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên của Chung, và anh nhanh chóng tỏa sáng ở cả hàng hậu vệ lẫn tiền vệ.
Phần thưởng cho Chung là một suất trở lại CLB Hà Nội vào mùa giải sau đó. Cầu thủ gốc Tuyên Quang tiếp tục gây ấn tượng mạnh, ra sân 16/26 trận và góp công giúp CLB Hà Nội vô địch V.League 2016 đầy thuyết phục. Không những vậy, Thành Chung còn “phân thân” giúp U21 Hà Nội vô địch giải U21 Quốc gia.
Mặc dù đặc biệt như vậy, nhưng Thành Chung lại không có duyên với các ĐTQG. Năm 2016, anh không những không được gọi lên ĐT Việt Nam dự AFF Cup mà còn không có suất ở đội U19 Việt Nam. Phải đến giải U19 châu Á diễn ra vào cuối năm, Chung mới được HLV Hoàng Anh Tuấn triệu tập sau khi một số cầu thủ vắng mặt vì chấn thương. Chỉ là phương án dự phòng, nên Chung không được ra sân phút nào trong suốt giải đấu tại Bahrain.
Tất nhiên, nản chí không có trong từ điển của Thành Chung. Trở lại CLB, trung vệ trẻ này ngày càng trở nên quan trọng dưới thời HLV Chu Đình Nghiêm. Phong độ ổn định giúp anh lọt vào danh sách đề cử Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm 2017 của giải Quả bóng vàng Việt Nam. Cũng trong năm 2017, bước ngoặt lớn đã đến với Chung khi HLV Park Hang Seo xuất hiện.
Vài tháng sau khi nhận chức, HLV Park Hang Seo lên danh sách ĐT U23 Việt Nam tham dự giải U23 châu Á 2018 tại Thường Châu, Trung Quốc. Thành Chung là một trong 25 cái tên được chọn. Cho dù chỉ ra sân 2 lần trong chiến tích của U23 Việt Nam tại Thường Châu, nhưng góp mặt trong đội hình này - thế hệ vàng mới này cũng là bước đệm giúp Chung nhảy vọt trong những năm tiếp theo.
Thành Chung trở thành cầu thủ đặc biệt ở V.League khi được HLV Chu Đình Nghiêm sử dụng như “huyền thoại” John O’shea của MU trước đây. Cho dù là trung vệ, nhưng Thành Chung sẽ được HLV đẩy lên đá tiền đạo mỗi khi Hà Nội cần bàn thắng phút chót nhờ thể hình tốt và nhạy bén. Sau này, có những trận Thành Chung xuất phát luôn ở vị trí tiền đạo. Trong vài năm ngắn ngủi, Thành Chung chơi đủ vị trí trên sân. Nhiều người nói đùa rằng nếu HLV cần thủ môn mới, Thành Chung cũng có thể đáp ứng.
Tại các đội tuyển Việt Nam, Thành Chung chỉ giữ vai trụ cột tại đội U23. Anh là ngôi sao giúp U23 Việt Nam giành HCV SEA Games 2019 và lọt vào đề của Quả bóng Vàng cùng năm. Tuy nhiên, tại ĐTQG, Chung chỉ là “Siêu dự bị”. Đáng chú ý, HLV Park Hang Seo cũng rất hứng thú với sự đa năng của cầu thủ gốc Tuyên Quang và xem anh là một giải pháp tốt cho hàng công khi đội nhà cần bàn thắng gấp.
Sự đa năng của Thành Chung đến không đơn thuần vì cảm quan chiến thuật hay các tố chất chuyên môn thuần túy. Nó là sự kết tinh của khả năng thích nghi nhanh với môi trường mà anh đã được tôi luyện từ bé và tinh thần không từ bỏ khi đứng trước bất cứ nhiệm vụ nào.
Cũng chính vì vậy, người hâm mộ bóng đá Việt Nam không bất ngờ khi biết tin Thành Chung nhịn đau để ra sân trong trận đấu với Australia ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Cho dù đã biết bản thân bị rách nhẹ cơ đùi và có nguy cơ chấn thương nặng, nhưng anh vẫn quyết định tận hiến cho đội bóng. Khi được hỏi về điều này, Thành Chung chỉ nói đơn giản: “Đội tuyển cần tôi”.
Đó chính là tinh thần, tâm thế của một cầu thủ vốn bị xem là dự bị tại ĐTQG. Trong hành trình dài tiến đến ngày hôm nay, Thành Chung luôn giữ cho mình sự sẵn sàng cao nhất ở bất cứ thời điểm nào. Và phía sau anh, là động lực, là tình cảm không thể nói bằng lời từ mẹ.