iThethao.vn - Trang tin Thể Thao hàng đầu Việt Nam

'Nên nhân bản mô hình HAGL của bầu Đức để Việt Nam có thêm nhiều thế hệ VĐV đỉnh cao'

Thứ ba, 03/08/2021 07:15 (GMT+7)

Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc gia, ông Hoàng Vĩnh Giang đã có những chia sẻ với Thethao.vn về VĐV bơi Ánh Viên, qua đó rút ra bài học để hướng tới việc đào tạo VĐV thành tích cao, tranh tài ở tầm thế giới.

-Lời đầu tiên, ông có thể đánh giá như thế nào về tài năng của Ánh Viên?

Ông Hoàng Vĩnh Giang: Tôi hay nói đùa rằng, Ánh Viên là ngôi sao mà trời ban xuống cho thể thao Việt Nam. Vì sao lại nói thế? Ánh Viên có chiều cao và sải tay rất dài, sải tay dài hơn chiều cao tới gần 20 cm. Đó là một hiện tượng vô cùng hiếm và trên thế giới cũng vậy.

'Nên nhân bản mô hình HAGL của bầu Đức để Việt Nam có thêm nhiều thế hệ VĐV đỉnh cao' - Ảnh 1
Ánh Viên là tài năng hiếm có của thể thao Việt Nam (Ảnh: Getty)

Điều thứ hai là bàn chân của Ánh Viên, nó rất có lợi cho việc bơi dưới nước. Ánh Viên được phát hiện ở một tỉnh nhỏ. Ban đầu khi được đưa lên, TP HCM còn không đón nhận nhưng đoàn Thể thao Quân đội đã đưa về. Hiện nay, Ánh Viên đã đạt cấp bậc thiếu tá.

Trong quá trình đào tạo, tôi cần nhấn mạnh là điều đầu tiên trong thể thao không chỉ của Việt Nam mà cả những nước khác, nhân tố con người quyết định hết tất cả. 

Một VĐV muốn vươn lên đỉnh cao, ngôi sao của thế giới thì trước tiên phải là một VĐV trời phú cho những điều kiện phù hợp để phát triển. Nhưng một điều quan trọng nữa là tinh thần tập luyện, lòng ham muốn vươn lên của VĐV. Cuối cùng, hạt giống đó phải được gieo ở mảnh ruộng nào nếu có thể nảy mầm tốt được.

Qua những phân tích đó, tôi cho rằng, Ánh Viên là một nhân tài cực kỳ hiếm có trong làng thể thao nói chung. 

-Nhiều người nói rằng, Ánh Viên đã phải phân phối sức trên quá nhiều mặt trận. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Hoàng Vĩnh Giang: Tôi được biết, hàng năm, cứ vài tháng Ánh Viên lại được đưa sang Mỹ tập huấn cùng một HLV. Ban đầu, mọi thứ rất hiệu quả khi Ánh Viên mang lại rất nhiều huy chương vàng cho Việt Nam tại SEA Games.

Nhưng cái khó của thể thao Việt Nam là chưa hội tụ đủ điều kiện để có thể chăm chút vào cái đích là thể thao đỉnh cao thực sự, đại diện cho quốc gia tham dự Asiad và Olympic. Đôi khi đơn vị chủ quản còn yêu cầu Ánh Viên tranh tài ở Đại hội thể dục thể thao toàn quốc để mang lại huy chương vàng cho đơn vị chủ quản. 

Việc đó cũng là chính đáng để mang lại thành tích cho bản thân đơn vị chủ quản. Tuy nhiên, một điều cần bàn ở đây là việc sử dụng hết công suất của VĐV thì tôi cho là chưa hợp lý lắm về mặt khoa học. Tôi hiểu cho các đơn vị khi có VĐV tốt thì cần lấy thành tích về cho đơn vị về của mình. Nhưng ở mặt khác, Ánh Viên cũng là nhân tài quốc gia. Vì vậy, Ánh Viên phục vụ cho mục đích nào đây?

Điều này nằm ở hoàn cảnh khách quan, khó có thể trách ai được. Tiếc là nhân tài như thế không được đào tạo đúng đường hướng để trở thành VĐV có thành tích tốt ở đấu trường quốc tế, đặc biệt là Olympic.

Ánh Viên đến với Olympic lần này là tấm vé mời thôi. Cô ấy không có gì đáng trách cả với thành tích thể hiện ở hai nội dung 200 và 800 mét. Ánh Viên đã ở phía bên kia sườn đồi. Chỉ tiếc là giai đoạn trước, Ánh Viên đã lỡ mất rồi.

'Nên nhân bản mô hình HAGL của bầu Đức để Việt Nam có thêm nhiều thế hệ VĐV đỉnh cao' - Ảnh 2
Thất bại của Ánh Viên ở Olympic 2021 không phải điều bất ngờ (Ảnh: Getty)

-Với tiềm năng ban đầu, Ánh Viên lẽ ra có thể vươn tới đẳng cấp tầm châu lục và thế giới không?

Ông Hoàng Vĩnh Giang: Tôi cho rằng Ánh Viên thừa khả năng. Ánh Viên hội tụ đủ tố chất như những VĐV đỉnh cao của thế giới. Vấn đề là chất liệu trong từng sợi cơ, các tố chất cần thiết khác với các tiêu chí nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn thì Ánh Viên có thể chưa đủ để có thể thực hiện cái khả năng đó của mình.

Tôi đặt câu hỏi là việc ăn uống của VĐV có đúng thực đơn hay không? Có được cung cấp chất lượng ăn uống một cách khoa học hay không? Ánh Viên có được bổ sung các loại thuốc bổ (thuốc bắc, thuốc nam) hay không? Điều đó sẽ tăng cường thêm sức chịu đựng khả năng vươn tới đỉnh của mình hơn. Trên thế giới, không có VĐV nào không tìm cho mình những phương thuốc để nâng cao sức khỏe, sức chịu đựng. Còn nếu chỉ ăn uống không thì khó lắm.

-Với kinh nghiệm ông từng trải qua, ông thấy các nền thể thao trên thế giới đầu tư như thế nào cho các VĐV trọng điểm?

Ông Hoàng Vĩnh Giang: Các cường quốc thể thao hàng đầu thế giới như Nga, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, họ đầu tư trong những trung tâm đào tạo VĐV Olympic rất chuyên nghiệp. Khi đầu tư, họ chuẩn bị cả những đội ngũ cán bộ bác sĩ, những người nghiên cứu, các phương pháp nâng cao thành tích cho các đội tuyển quốc gia theo đặc thù của mỗi môn. Ngoài ra có các tỉnh thành có các trung tâm cũng theo hướng như vậy. Ví dụ như Trung Quốc chẳng hạn, người ta có đại hội thể thao toàn quốc 4 năm một lần. Đây là sân chơi cực kỳ khốc liệt. Các đoàn thể thao của các tỉnh thành tranh nhau từng huy chương một. 

Họ đầu tư VĐV theo chu kỳ 4 năm. Sau mỗi chu kỳ như vậy, họ tổ chức đánh giá và xem xét khả năng phát triển của VĐV cho những cấp bậc cao hơn. Những VĐV trẻ ở những chu kỳ sau sẽ được đưa lên để tiếp nối. Trong mỗi chu kỳ như thế, họ sẽ đầu tư tối đa cho các VĐV để mang về thành tích cao nhất.

Việt Nam có Đại hội thể thao toàn quốc nhưng tính cạnh tranh chưa cao bằng. Ở nhiều môn thể thao, đoàn Hà Nội, TP HCM, Thể thao Quân đội,... áp đảo các đoàn khác nên không có tính ganh đua khốc liệt. 

-Ngoài mô hình thì việc đầu tư trọng điểm còn diễn ra như thế nào nữa?

Ông Hoàng Vĩnh Giang: Bên cạnh Ánh Viên, nếu Việt Nam có những vận động viên ở trình độ siêu sao tại những môn thể thao đặc thù thì nên có kế hoạch, bàn bạc để đầu tư tập trung tốt hơn. Tôi lấy ví dụ ở Olympic 2004, Nhật Bản giành được 16 huy chương vàng. Nhưng 14 chiếc thuộc về một trung tâm huấn luyện. Trung tâm huấn luyện này cũng chỉ rộng vài hecta mà thôi (đầy bí mật). 

Nhưng câu chuyện ở đây, họ làm mọi thứ theo một quy trình. Để trở thành quốc gia có nhiều thành tích ở Olympic như vậy, họ tập trung vào những môn thế mạnh. Những môn nào không hợp thể trạng người châu Á thì họ cũng ít đầu tư. Nhìn rộng ra như Mỹ, Anh, Australia,... họ cũng chỉ mạnh ở số môn nhất định thôi. 

Với Trung Quốc, họ lựa chọn môn thể thao rất phù hợp với người châu Á. Ở đây, không tỉnh nào là không có những trung tâm huấn luyện VĐV cấp cao, như Nhổn ở Hà Nội vậy. Nhưng thực tế, một trung tâm lớn như Nhổn cũng chưa thể sánh bằng các trung tâm huấn luyện thể thao của các tỉnh như Quảng Đông, Nam Ninh hay Côn Minh. 

'Nên nhân bản mô hình HAGL của bầu Đức để Việt Nam có thêm nhiều thế hệ VĐV đỉnh cao' - Ảnh 3
Mô hình đào tạo VĐV Olympic của Trung Quốc rất đáng để tham khảo (Ảnh: Getty)

Điều kiện ở trung tâm Việt Nam đã không đầy đủ rồi, mà đặc biệt là vấn đề dinh dưỡng. Dinh dưỡng phân theo những đẳng cấp nhất định. Và trong mỗi trung tâm như thế, họ chia làm ba thế hệ vận động viên. Chúng ta có một số trung tâm lớn ở các tỉnh, thành phố trung ương nhưng như vậy là chưa đủ. Chúng ta muốn tiến lên thì phải tập trung làm một cách bài bản hơn. Bài bản ở đây là chọn đúng người để làm việc, chọn đúng VĐV để đầu tư và chọn những chuyên gia giỏi. Mà tốt nhất thì phải tìm chuyên gia nước ngoài. 

Khi có những yếu tố đó rồi thì một việc phải quan tâm nữa là nơi tập luyện ở đâu. VĐV cần được thị phạm, mà chuyên gia quá tuổi không còn khả năng làm việc đó. Muốn thị phạm thì phải cậy nhờ những VĐV hàng đầu của châu lục và thế giới. Chúng ta phải mạnh dạn đưa VĐV của mình đến nơi đó tập luyện và tuyển chọn đúng lứa tuổi để có thể đào tạo dài hơi, có khi kế hoạch phải kéo dài từ 8-10 năm. 

Mỗi môn có một đặc thù riêng, điều tôi muốn nói là phải đưa VĐV vào đúng "mảnh ruộng" để hạt giống được tuyển chọn có cơ hội phát triển tốt. Đôi khi không cần phải đi tận Mỹ cho xa xôi, ngay những cường quốc gần gũi như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản cũng được. Hoặc có một cách vừa tiết kiệm chi phí, vừa đạt hiệu quả là nâng cấp các trung tâm đào tạo của ta rồi mời các đội tuyển mạnh sang tập huấn. VĐV của Việt Nam sẽ có cơ hội để cọ xát mà không mất hàng tỷ đồng để đưa VĐV ra nước ngoài. 

-Mô hình nào ở Việt Nam gây ấn tượng với ông?

Ông Hoàng Vĩnh Giang: Việt Nam có một mô hình tôi rất tự hào. Đó là học viện HAGL-JMG của ông Đoàn Nguyên Đức. Cách làm của ông ấy mang tính chuyên nghiệp hơn, tạo ra sự ganh đua nhau trong đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam như Viettel, Hà Nội, Nghệ An, PVF,... Từ đấy, chúng ta có dàn VĐV khiến các đội lớn ở châu Á không thể coi thường, nhất là giai đoạn U23 Việt Nam giành tấm HCB châu Á. Tôi đánh giá cao quy trình ấy, từ đi tìm hạt giống, đào tạo hạt giống đến tìm thầy cho hạt giống. Bóng đá Việt Nam là một kiểu mẫu để noi theo. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Ông Hoàng Vĩnh Giang đang là Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam. Ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và là người duy nhất của Thể thao Việt Nam nhận được vinh dự này.

Ông vốn có năng khiếu thể thao, thời trẻ là VĐV thi đấu chuyên nghiệp. Ông từng là kỷ lục gia nhảy cao của Việt Nam.

Ngoài hoạt động thể thao, ông còn là Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Trung (Trung ương), Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Trung Hà Nội.