iThethao.vn - Trang tin Thể Thao hàng đầu Việt Nam

Nam thần TDDC Lê Thanh Tùng không lùi bước sau những chấn thương đen đủi

Thứ bảy, 24/07/2021 11:40 (GMT+7)

Chấn thương không còn là câu chuyện xa lạ với Lê Thanh Tùng, chàng hot boy của TDDC Việt Nam. Đến Olympic Tokyo 2021, đây tiếp tục trở thành nỗi lo đối với anh trên hành trình săn huy chương.

Lê Thanh Tùng - Hy vọng vàng của TDDC Việt Nam

Lê Thanh Tùng hiện đang là một trong những nam vận động viên xuất sắc nhất của Thể dục dụng cụ (TDDC) Việt Nam. Ở tuổi 26, anh đã có đến hơn 20 năm gắn bó với bộ môn này, kèm với đó là bảng thành tích vô cùng ấn tượng. 

Thanh Tùng bén duyên với TDDC theo cách rất đặc biệt. Năm lên 4 tuổi, Tùng thường theo một người anh họ, vốn là VĐV TDDC đến nhà thi đấu. Lúc này, anh bắt đầu cảm thấy thích thú với các dụng cụ tập luyện, từ xà đơn, xà kép cho đến vòng treo. Nhận thấy Tùng nhanh nhẹn, khéo léo và có năng khiếu bẩm sinh, các thầy ở Trung tâm TDTT TP.HCM đã quyết định nhận anh vào tập khi mới 5 tuổi.

‘Nam thần’ TDDC Lê Thanh Tùng và những chấn thương đen đủi, từ giải trẻ đến Olympic Tokyo - Ảnh 2
Lê Thanh Tùng bén duyên với TDDC từ năm 5 tuổi (Ảnh: Getty)

Được các thầy dìu dắt, Thanh Tùng ngày càng tiến bộ và trưởng thành. Chỉ 3 năm sau, anh đã lọt vào nhóm VĐV trẻ trọng điểm và được sang Trung Quốc tập huấn dài hạn. Đây cũng là quãng thời gian khó khăn, giúp tôi luyện nên một Lê Thanh Tùng thành công như hiện tại.

Năm lên 8 - độ tuổi mà nhiều bạn cùng trang lứa còn đang mải mê vui chơi mà không cần lo toan, tính toán, Thanh Tùng đã phải xa gia đình, xa quê hương. Nơi đất khách quê người, anh phải tập luyện vô cùng vất vả với các HLV, chuyên gia người Trung Quốc. Sau 8 năm đằng đẵng, Tùng trở về Việt Nam và liên tiếp gặt hái những thành công vang dội. Bắt đầu từ các giải trẻ, anh đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng giới chuyên môn về một VĐV tài năng và được đào tạo bài bản. 

Năm 2013, ở tuổi 18, Thanh Tùng có lần đầu tiên tham dự một giải đấu tầm cỡ quốc tế là Cup TDDC thế giới. Ngay lập tức, chàng trai sinh năm 1995 đã giành tấm HC bạc nội dung nhảy chống. Đây được xem là cột mốc vô cùng quan trọng trong sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp cho Thanh Tùng, giúp anh có thêm nguồn năng lượng và sự tự tin trên chặng đường tiếp theo. 

‘Nam thần’ TDDC Lê Thanh Tùng và những chấn thương đen đủi, từ giải trẻ đến Olympic Tokyo - Ảnh 3
Lê Thanh Tùng có 8 năm tập huấn ở Trung Quốc (Ảnh: Getty)

Sau 2 năm, Thanh Tùng tiếp tục hái “quả ngọt” khi tham dự SEA Games 2015. Tại đây, anh đã chứng tỏ mình là một tài năng hàng đầu của TDDC Việt Nam khi đoạt hai HC vàng. Đến 2017, anh có một năm thi đấu thành công toàn diện khi giành vàng tại Cup thế giới, 3 HC vàng SEA Games và đặc biệt là tấm HC vàng lịch sử tại giải vô địch châu Á.

Sau nốt trầm trong năm 2018 khi thất bại tại ASIAD, Thanh Tùng đã đặt quyết tâm cao độ trong năm 2019. Tại giải vô địch châu Á, chàng trai quê TP HCM giành HC Đồng nội dung xà đơn, giúp TDDC Việt Nam lần đầu tiên giành huy chương nội dung này. Đặc biệt hơn cả, với việc về đích thứ 5 môn nhảy chống tại Giải vô địch TDDC thế giới 2019, Tùng đã chính thức đoạt vé dự Olympic Tokyo 2021. 

Những chấn thương đen đủi, từ giải trẻ đến Olympic Tokyo

Nhìn bảng thành tích của Lê Thanh Tùng, ít ai nghĩ anh là người luôn phải làm bạn với chấn thương. Ở môn TDDC, đây là điều khó tránh. Tuy nhiên, Tùng lại phải đối mặt với những chấn thương đã trở thành mãn tính. Do chứng cứng cơ, chàng trai sinh năm 1995 luôn phải tốn thời gian xoa bóp, khởi động vùng cổ trước mỗi buổi tập. 

Không những vậy, Thanh Tùng còn bị viêm màng cơ xương ở tay và chân trái. Đặc biệt hơn, đây lại là những chấn thương đã theo anh từ năm 14 tuổi tới tận bây giờ và không có cách nào để chữa trị dứt điểm.

‘Nam thần’ TDDC Lê Thanh Tùng và những chấn thương đen đủi, từ giải trẻ đến Olympic Tokyo - Ảnh 4
Lê Thanh Tùng đã quen với chấn thương (Ảnh: Getty)

Ngoài những vấn đề kể trên, Thanh Tùng cũng thường xuyên dính chấn thương ở các giải đấu. Theo những gì Tùng chia sẻ, ở giải trẻ học sinh Đông Nam Á tổ chức tại Việt Nam, anh đã gặp sự cố hy hữu. Trong một buổi tập, chàng trai sinh năm 1995 không may rơi từ trên xà xuống đất, đập vào nền xi măng và phải nhập viện 3-4 ngày.

Mặc dù vậy, với tinh thần thi đấu cao độ và khát khao chiến thắng, Thành Tùng vẫn quyết tâm trở lại đường đua. Theo đó, anh đã xin ra viện sớm rồi lại vùi mình vào tập luyện. Quả ngọt đã đến với chàng trai 18 tuổi khi anh xuất sắc giành 3 huy chương vàng và có được bước chạy đà hoàn hảo cho các giải đấu chính thức sau đó. 

Đến năm 2019, trong quá trình chuẩn bị cho ASIAD diễn ra tại Mông Cổ, Thanh Tùng lại dính chấn thương cổ chân. Bước vào giải, anh vẫn chưa bình phục hoàn toàn và không thể tham dự nội dung sở trường là nhảy chống. Cuối cùng, ban huấn luyện quyết định điền tên anh vào nội dung xà đơn và không đặt mục tiêu quá cao.

‘Nam thần’ TDDC Lê Thanh Tùng và những chấn thương đen đủi, từ giải trẻ đến Olympic Tokyo - Ảnh 6
Lê Thanh Tùng (phải) (Ảnh: Reuters)

Một lần nữa, Thanh Tùng lại gây bất ngờ khi thi đấu thành công ngoài mong đợi. Như đề cập ở trên, Tùng đã xuất sắc giành HC Đồng. Đây là chiến công lịch sử khi đoàn TDDC Việt Nam có lần đầu tiên giành huy chương ở nội dung này. 

Giờ đây, Thanh Tùng đang có mặt tại Nhật Bản, với mục tiêu săn huy chương tại Olympic Tokyo. Tuy nhiên, vận đen lại bám lấy vận động viên này khi anh dính chấn thương gót chân và cả chấn thương lưng trước giải. Cũng vì lý do đó, chàng trai sinh năm 1995 không thể đăng ký nội dung toàn năng mà chỉ thi đấu hai nội dung xà đơn và nhảy chống. 

Ở hai lần chấn thương trước, Thanh Tùng vẫn đem về những thành công bất ngờ. Đây chắc chắn cũng là điều mà anh, đoàn thể thao Việt Nam cũng như người hâm mộ quê nhà đang mong chờ ở Olympic Tokyo lần này.