-->
iThethao.vn - Trang tin Thể Thao hàng đầu Việt Nam
facebook tiktok youtube
Gửi bài
back-to-top
Bóng đá Bóng đá Anh Ngoại Hạng Anh

MU mua Ronaldo làm gì? Giờ chúng ta đã hiểu

Chủ nhật, 12/09/2021 06:00 (GMT+7)

MU mua Ronaldo làm gì? Bán áo? Kiếm tiền nhờ cổ phiếu lên giá? Thu hút thêm hợp đồng tài trợ? Không muốn chứng kiến cảnh CR7 khoác áo Man City? Tất cả đều đúng, nhưng cũng đều sai. Câu trả lời chính xác nhất đã được Ronaldo thể hiện ở trận thắng Newcastle, với một cú đúp.

Chủ Đề: Messi và Ronaldo ai vĩ đại hơn

Không cần chạm bóng cũng ghi bàn

Những ai học qua marketing đều biết đến khái niệm giá trị sản phẩm với 2 nhân tố cấu thành: giá trị cốt lõi và giá trị gia tăng. Nếu ta ví Ronaldo như một sản phẩm, những thứ như độ nổi tiếng, số like trên Facebook của CR7... thực chất chỉ là giá trị gia tăng. Cái giá trị cốt lõi làm nên thương hiệu Ronaldo là khả năng ghi bàn của một tiền đao xuất chúng, và anh đã chứng minh điều đó ngay trong ngày ra mắt.

>>> Ronaldo biến MU vs Newcastle thành trận đấu phá kỷ lục về số người xem... lậu

MU đã giành trọn vẹn 3 điểm trước Newcastle, nhưng cái cách họ chiến thắng lại không hề dễ dàng như tỷ số 4-1 trên bảng điện tử. Phải đến cuối hiệp 1, MU mới có bàn mở tỷ số ở phút bù giờ. Bước sang hiệp 2, họ để đối thủ giành lại thế trận và có bàn gỡ hòa nhờ một tình huống phản công. Solskjaer chỉ thở phào nhẹ nhõm khi Bruno Fernandes ghi bàn thắng thứ 3.

MU mua Ronaldo để làm gì? Giờ chúng ta đã hiểu - Ảnh 1

Nói cách khác, MU chỉ chắc chắn giành chiến thắng khi trận đấu chỉ còn 10 phút nữa là kết thúc. 80 phút trước đó, người hâm mộ Quỷ Đỏ luôn cảm giác bàn thua có thể ập đến bất cứ lúc nào. Chỉ đến khi Fred và McTominay cùng không thi đấu, người ta mới thấy họ... quan trọng với MU. Matic trận này quán xuyến tuyến giữa không tốt. Anh liên tục để hàng thủ lâm vào thế bất lợi khi Newcastle phản công.

MU không hề chơi hay hơn đối thủ trong khoảng 3/4 thời gian thi đấu, nhưng họ vẫn có thể dẫn trước nhờ sở hữu một nhân tố khác biệt: Cristiano Ronaldo. Anh chính là người ghi bàn mở tỷ số, rồi sau đó khiến niềm vui gỡ hòa của CĐV Newcastle kéo dài chưa đầy 5 phút. Ronaldo luôn như vậy. Anh biết cách tỏa sáng khi đội nhà cần mình nhất.

Vậy giá trị chuyên môn Ronaldo mang lại cho MU lớn đến mức nào? Hãy cùng điểm qua từng tình huống MU có bàn thắng trong 90 phút CR7 có mặt trên sân.

Bàn thắng đầu tiên là một pha đệm bóng cận thành. Ở tình huống ấy, Jadon Sancho đã đứng im khi Greenwood dứt điểm. Ronaldo là người duy nhất băng xuống, với linh cảm "một điều gì đó sẽ xảy ra". Đệm bóng vào rất đơn giản, nhưng không hề dễ dàng. Sancho không làm được. Chỉ có Ronaldo làm được, với khả năng của một mẫu tiền đạo chớp thời cơ (goal poacher) điển hình.

MU mua Ronaldo để làm gì? Giờ chúng ta đã hiểu - Ảnh 2

Những người chê Ronaldo "chỉ biết đệm bóng cận thành" hẳn sẽ không còn lý do nào trách cứ CR7 nữa khi chứng kiến anh ghi bàn thắng thứ 2. Đường chuyền của Luke Shaw thực chất hơi sửa lưng CR7 một chút. Nếu người nhận bóng khi đó là Lukaku hay Ibrahimovic, họ sẽ chọn phương án hãm bóng lại một nhịp, và thế là cơ hội băng xuống ghi bàn có thể bị bỏ lỡ.

Nhưng Ronaldo không phải là Lukaku. Anh dùng chân phải kéo quả bóng về phía trước mặt, rồi sút qua khe chân Woodman bằng chân trái. Lại là một pha xử lý đơn giản và gọn gàng, nhưng để làm được như CR7 dưới áp lực của 75.000 CĐV thật... không đơn giản chút nào. Lukaku sẽ đạp hụt bóng hoặc ngã nếu cố làm như CR7 trong tình huống đó.

Giá trị chuyên môn của Ronaldo còn được thể hiện ở bàn thắng thứ 3, khi người ghi bàn là Bruno Fernandes. Ở tình huống ấy, hàng thủ Newcastle bất ngờ mở toang khung thành trước mặt Bruno, giúp tiền vệ Bồ Đào Nha thoải mái tung ra một cú sút hết lực. Nếu nhìn lại băng quay chậm, chúng ta sẽ thấy Ronaldo khi đó đã tinh quái di chuyển lệch sang bên cánh trái. Jacob Murphy và Isaac Hayden mải chú tâm đến CR7 nên chạy lệch theo, qua đó mở cửa vào khung thành cho Bruno.

MU mua Ronaldo để làm gì? Giờ chúng ta đã hiểu - Ảnh 3

Đó không phải tình huống duy nhất CR7 thu hút hậu vệ đối phương để các đồng đội có khoảng trống băng lên. Anh mới chỉ đầu quân cho MU ít ngày, nhưng phối hợp nhuần nhuyễn cùng toàn đội như thể chơi bóng bên cạnh nhau đã lâu. Ronaldo chạm bóng là giúp MU ghi bàn. Ronaldo không cần chạm bóng cũng giúp MU ghi bàn. 2 bàn thắng chưa đủ nói lên tầm quan trọng của anh lúc này.

Mảnh ghép duy nhất còn thiếu

Vị trí nào của MU luôn chơi không đạt yêu cầu kể từ ngày Sir Alex giải nghệ? Mọi người thường nhắc quá nhiều đến hàng thủ thời Evans, Smalling và Phil Jones còn thường xuyên đá chính; nhưng họ không đáng phải chịu trách nhiệm cho thành tích yếu kém của MU trong 8 năm qua. Những cầu thủ "có vấn đề" nhất của MU nằm ở hàng công, cụ thể là vị trí tiền đạo cắm.

Kỷ nguyên MU thống trị Ngoại hạng Anh của Sir Alex Ferguson có một nguyên tắc bất di bất dịch: Đội bóng luôn phải sở hữu một tiền đạo đảm bảo hiệu suất 20-30 bàn thắng mỗi mùa. Cantona, Dwight Yorke, Andy Cole là những người hiện thực hóa điều đó trong thập niên 90. Bước sang thế kỷ 21, Sir Alex có thêm Van Nistelrooy và Ronaldo.

MU mua Ronaldo để làm gì? Giờ chúng ta đã hiểu - Ảnh 4

Việc kết hợp Rooney và Berbatov không hiệu quả như mong đợi sau khi Ronaldo rời MU là lý do khiến Sir Alex mua Van Persie về. 30 triệu bảng cho một cầu thủ đã 29 tuổi ở thời điểm đó khiến nhà Glazer hoài nghi. Họ không sẵn sàng chi tiền, cho đến khi Sir Alex đảm bảo đây là bản hợp đồng chắc chắn thành công. Quả đúng là như vậy. Van Persie ghi 26 bàn ở mùa giải 2012/13, và anh là chân sút tốt nhất của MU trong 1 mùa... từ đó đến nay.

David Moyes kế vị Sir Alex, và ông đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm khi để Rooney đá cắm. R10 ghi không nổi 20 bàn trong năm đó, và Moyes cũng không có cơ hội sửa sai trước khi mùa giải khép lại. Van Gaal, rồi sau đó là Mourinho liên tục đem về những tiền đạo mới và thất bại. Martial, Ibrahimovic và Lukaku cũng không thể cán mốc 20 bàn trong 1 mùa giải ở Ngoại hạng Anh.

MU đã tấn công khởi sắc hơn dưới thời Solskjaer, nhưng 2/3 mùa giải gần nhất ông dẫn dắt, người ghi bàn nhiều nhất lại là các tiền vệ: Pogba mùa 2018/19 và Bruno Fernandes mùa 2020/21. Martial, Rashford, Greenwood đều không phải tiền đạo cắm; chưa kể phong độ của họ quá thiếu ổn định. Cavani lại thích hợp làm "siêu dự bị" hơn là thường xuyên đá chính.

MU mua Ronaldo để làm gì? Giờ chúng ta đã hiểu - Ảnh 6

Trước khi Ronaldo đến MU, đội bóng đã chiêu mộ 1 thủ môn, 1 trung vệ và 1 tiền đạo cánh. Họ chưa mua tiền đạo cắm vì không tìm được cái tên nào thực sự đáp ứng hiệu suất ghi bàn "khủng" như Van Persie hay Van Nistelrooy ngày nào. Giữa lúc đó, cơ hội tái ngộ Ronaldo bất ngờ xuất hiện ngay trước mắt Quỷ Đỏ. CR7 không hài lòng trước cách Juventus đối xử với anh, và muốn tìm một bến đỗ mới.

Chẳng ai biết Ronaldo và người đại diện Jorge Mendes đã đàm phán với MU trong bao lâu. Phần lớn nói 2 ngày, nhưng thực tế có thể là 2 tháng. Chúng ta chỉ biết khi Ronaldo đến chào các đồng đội ở Juventus, ai cũng đinh ninh anh đầu quân cho Man City. Chỉ đến khi Solskjaer nói "chào mừng Ronaldo trở lại", tất cả mới ngỡ ngàng hóa ra anh đến MU!

Việc CR7 chọn trở lại MU giúp Solskjaer giải được bài toán hàng công mà trong quá khứ Moyes, Van Gaal lẫn Mourinho đều thất bại. 12 năm qua, bất chấp phong độ và tuổi tác, CR7 đều đảm bảo ghi được ít nhất 25-30 bàn mỗi mùa ở giải VĐQG, trừ mùa đầu tiên khoác áo Juventus (21 bàn). Số lần lập công của anh ít đi vì thường xuyên phải lùi sâu làm bóng, thậm chí hỗ trợ phòng ngự.

MU mua Ronaldo để làm gì? Giờ chúng ta đã hiểu - Ảnh 7

Ronaldo vừa rời Juve, Bà đầm già lập tức thua 2 trận liền và chỉ ghi đúng 1 bàn. Điều đó là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy tầm quan trọng của một chân sút tầm cỡ như CR7. Có anh trong đội hình, một Solskjaer vốn thận trọng phát biểu trước báo giới trở nên tự tin một cách lạ thường. "Ronaldo chắc chắn sẽ đá chính" là điều Ole nói với truyền thông Anh 1 ngày trước trận gặp Newcastle.

Giữ bí mật chiến thuật trước khi thi đấu là chuyện sống còn trong bóng đá hiện đại, nhưng Solskjaer lại đi ngược quy luật đó. Ông dám làm như vậy bởi người ông nhắc đến là Cristiano Ronaldo. Nói là làm, Ole xếp ra một đội hình "lấy công bù thủ" với CR7 là mũi nhọn cao nhất và giành chiến thắng. Có một siêu tiền đạo trong đội hình, Ole chẳng có lý do gì để giấu bài nữa, vì đối phương biết trước cũng không thể ngăn chặn.

Ronaldo đã ghi 2 bàn trong ngày ra mắt, và anh chắc chắn sẽ bỏ túi không dưới 25 bàn ở Ngoại hạng Anh mùa này. Đó là cơ sở đưa MU tiến đến ngôi vô địch.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá