EURO 2024 Nhật ký Euro

Kể chuyện EURO 1988: Cú volley nghịch logic kéo sập một huyền thoại

Thứ ba, 08/06/2021 07:59 (GMT+7)

Nhắc về EURO 1988 thì trong tâm trí người hâm mộ nhuộm một sắc cam chói lọi. Hà Lan rốt cuộc cũng đã có được chức vô địch một giải đấu lớn đầu tiên và duy nhất trong lịch sử. Nhưng chiến thắng của họ lại tương phản với dấu chấm hết của Liên Xô.

EURO 1988 là lần đầu tiên Hà Lan trở lại ngày hội của bóng đá châu Âu kể từ năm 1980. Họ mang đến Đức một đội hình vô cùng chất lượng nhưng không có nhiều kỳ vọng đặt vào Marco Van Basten. Cựu ngôi sao của Ajax đã có mùa ra mắt Milan vô cùng tệ hại. Chấn thương mắt cá khiến cho tiền đạo khi đó mới 24 tuổi chỉ xuất phát có 11 trận và ghi 3 bàn cho Milan trong mùa 1987/88. Milan vô địch Serie A nhưng dấu ấn của Van Basten là rất nhạt nhòa.

Ở trận ra quân EURO 1988 gặp Liên Xô, HLV Rinus Michels chỉ để Van Basten trên ghế dự bị, còn vị trí trung phong thì điền tên John Bosman - người mới chỉ ghi được 1 bàn cho Oranje và vào lưới... Đảo Síp. Không bất ngờ, Bosman chơi tệ và Hà Lan thua Liên Xô 0-1. 

Kể chuyện EURO 1988: Cú volley nghịch logic kéo sập một huyền thoại - Ảnh 1
Đội hình Hà Lan tham dự EURO 1988

Kể từ lúc đó, Van Basten mới trở thành tiền đạo chính trong ưu tiên của Michels. Ông không phụ sự kỳ vọng của người hâm mộ và HLV của mình khi thể hiện một phong độ xuất chúng đưa Hà Lan không chỉ vượt qua vòng bảng, mà còn trả thủ thành công Tây Đức ở trận bán kết trước khi tiến vào chung kết và tái đấu Liên Xô.

Sau khi kiến tạo cho Ruud Gullit mở tỷ số ở phút 32, Van Basten đã thực hiện pha bóng mà-ai-cũng-biết ở phút 54. Arnold Mühren trong trận đấu cuối cùng ở cấp độ quốc gia đã tung ra một đường tạt sớm từ bên cánh trái, bóng đi quá cao và dù nó hướng đến Van Bastem, ít ai chờ đợi một điều gì đó. 

Quả bóng chỉ cách đường biên ngang có 5 mét còn trước mặt Van Basten là 3 hậu vệ Liên Xô. Như những gì Van Basten chia sẻ, ông thực hiện cách "dễ hơn" cả hãm bóng lại, đó là... volley luôn. Điểm chạm hoàn hảo, lực tiếp xúc hoàn hảo, quỹ đạo hoàn hảo, quả bóng đi theo hướng duy nhất có thể vào góc cao khung thành của thủ môn Rinat Dasayev. Một trong những siêu phẩm đẹp nhất lịch sử ra đời, Rinus Michels ở ngoài sân ôm mặt không thể tin vào những gì vừa diễn ra. 

Kể chuyện EURO 1988: Cú volley nghịch logic kéo sập một huyền thoại - Ảnh 2
Van Basten lập siêu phẩm vô-lê trong trận chung kết với Liên Xô

Van Basten và thế hệ huyền thoại của mình chạm tới vinh quang tột đỉnh. Ở bên kia chiến tuyến, HLV huyền thoại Valery Lobanovsky đăm chiêu đến lạ, có lẽ ông đã biết những gì đang chờ đội bóng của mình sau thất bại này.

Hà Lan vừa đánh bại một tập thể có tới 8 cầu thủ đến từ Dynamo Kiev, đơn cử là những ngôi sao Oleg Blokhin, Vasily Rats, Alexei Mikhailichenko và Igor Belanov. Đây không phải là sự trùng hợp bởi Lobanovsky là đồng HLV của Dynamo - một trong những đội bóng mạnh nhất châu Âu thời bấy giờ. Ông vừa dẫn dắt họ giành được Cup Winners' Cup vào năm 1986, tái lập chiến tích sau 9 năm.

Kể chuyện EURO 1988: Cú volley nghịch logic kéo sập một huyền thoại - Ảnh 3
Hà Lan ăn mừng chức vô địch EURO 1988

"Đây là cơ hội tốt nhất để Liên Xô vô địch EURO", Sergei Baltacha, cựu cầu thủ của Dynamo và Liên Xô, nhớ lại. "Ở thời điểm đó, chúng tôi là một đội bóng mạnh, phần lớn các cầu thủ đến từ Kiev và chúng tôi thống trị châu Âu. Chúng tôi biết mình có thể làm tốt".

Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài Đức thì Liên Xô chính là đội bóng vào tới chung kết EURO nhiều nhất với 4 lần, vô địch 1 lần vào năm 1960. Tại sao họ lại mạnh như vậy? Baltacha giải thích:

"Giải VĐQG Liên Xô khi đó rất chất lượng vì chúng tôi có tới 6 nước cộng hòa. Cả 16 CLB tham gia đều rất mạnh. Mọi trận đấu ở giải VĐQG đều chất lượng như ở Champions League. Đó là lý do đội Liên Xô cũng mạnh khủng khiếp và thi đấu tại EURO khá dễ dàng.

Kể chuyện EURO 1988: Cú volley nghịch logic kéo sập một huyền thoại - Ảnh 4
Thất bại ở EURO 1988 gần như là dấu chấm hết cho cái tên Liên Xô trên bản đồ bóng đá đỉnh cao thế giới

Chúng tôi thi đấu ở đẳng cấp cao nhất mỗi tuần và đã quen với điều đó. Sau khi Liên Xô tan rã, chỉ còn một vài quốc gia trụ lại được trên bản đồ bóng đá thế giới như Nga và Ukraine. Phần còn lại, như Georgia thì là một kẻ xa lạ ở World Cup. Đó là sự tổn thất nghiêm trọng với bóng đá Liên Xô".

Đến World Cup 1990, Lobanovsky đã thiếu vắng phần lớn những cầu thủ Dynamo tài năng nhất và Liên Xô chỉ đứng bét vòng bảng. Và sau đó, không còn sau đó nữa.