EURO 2024 Nhật ký Euro

Kể chuyện EURO 1976: Panenka làm thơ bằng bóng

Thứ bảy, 05/06/2021 08:05 (GMT+7)

Có rất nhiều thứ vĩ đại chỉ bởi nó là lần đầu tiên. Ở lần đầu, nó có thể không hoàn mỹ nhưng là sự thăng hoa tột cùng của một ý tưởng chưa từng có. Bấm bóng, từ chấm phạt đền, ở loạt luân lưu cuối cùng trong trận chung kết EURO? 40 năm sau, người ta vẫn phải nhìn Antonín Panenka bằng con mắt kinh ngạc.

EURO 1976 là kỳ đại hội đầu tiên đưa loạt luân lưu vào áp dụng để phân định chiến thắng nếu hai đội vẫn hòa nhau sau 120 phút. Nhưng chẳng mấy ai để ý đến sự thay đổi này bởi quá nóng lòng chứng kiến màn tái đấu giữa Hà Lan và Tây Đức, tái hiện trận chung kết World Cup 1974. 

Người Đức điên rồi, họ không dừng lại sau chức vô địch EURO 1972 mà phát tiết khủng khiếp ở những giải đấu tiếp theo. Họ vượt qua Hà Lan để lên đỉnh thế giới vào năm 1974 và 2 năm sau, muốn tiếp tục hoàn thành cú hat-trick danh hiệu cao quý.

Ở trận chung kết 2 năm trước, Hà Lan bị cáo buộc là tự mãn quá sớm khi dẫn trước ngay từ phút thứ 2. Họ quyết tâm không lặp lại sai lầm một lần nữa nếu tái đấu Đức. Nhưng Hà Lan chỉ nhắc mình không chủ quan trước Đức, chứ quên không nhắc khi gặp Tiệp Khắc.

Kể chuyện EURO 1976: Panenka làm thơ bằng bóng - Ảnh 1
Tiệp Khắc gặp Hà Lan ở bán kết Euro 1976

Sau 120 phút nhễ nhại ở Zagreb, trận chung kết trong mơ sụp đổ. Đội chủ nhà Tiệp Khắc đã đánh bại siêu cường Hà Lan của "thánh" Johan Cruyff với tỷ số 3-1 đầy thuyết phục. Hà Lan về nước trong nhục nhã sau khi thua một đội tuyển thậm chí không vượt qua được vòng loại ở 3 kỳ EURO trước đó.

Tiệp Khắc là một ẩn số lúc bấy giờ và đương nhiên không trinh sát nào của Đức biết rằng đối thủ sở hữu một chuyên gia tình huống cố định là Antonín Panenka. Đức quá tin vào năng lực của mình để rồi nhận ra họ không phải những thi sĩ duy nhất tại châu Âu.

Tái hiện lối chơi khó chịu như trước Hà Lan, Tiệp Khắc kéo Đức vào tới hiệp phụ nhưng 30 phút bổ sung này cũng chưa phân định được trận đấu. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo vì như đã nói ở trên, phần lớn mọi người không để ý tới sự thay đổi của luật lệ.

Kể chuyện EURO 1976: Panenka làm thơ bằng bóng - Ảnh 2
Đội hình Tiệp Khắc trong trận chung kết với Đức

Một bộ phận cầu thủ Tiệp Khắc thậm chí đã tiến vào đường hầm trước khi bị trọng tài gọi ngược ra để thực hiện loạt luân lưu. Ngơ ngác một lúc, rốt cuộc họ cũng hiểu ra mình phải tham gia loạt "đấu súng". Đây là lần đầu tiên của tất cả mọi người, và còn nhiều cái đầu tiên khác nữa kéo theo.

Masny của Tiệp Khắc là người thực hiện lượt luân lưu đầu tiên trong lịch sử, Uli Hoeness của Đức thì là người đầu tiên sút hỏng, và Panenka trở thành người đầu tiên có cơ hội kết thúc một trận chung kết bằng một quả 11m.

Và để đánh dấu cột mốc lịch sử này, Panenka tạo ra một cú lừa thế kỷ. Chạy lấy đà thật nhanh nhưng rồi lại sục vào đáy bóng. Quả bóng bay lên nhẹ nhàng rồi rơi thẳng vào chỗ Sepp Maier vừa nhảy ra. Thủ môn huyền thoại của Tây Đức vừa bị chơi khăm một vố đau nhất đời.

"Tôi không nghĩ Maier đón nhận cú sút đó một cách yên ả đâu", Panenka nhớ lại. "Ông ấy từng và có lẽ vẫn đang không hề thoải mái một chút nào. Tôi đồ rằng Maier không thích ai đó nhắc đến tên tôi nữa đâu".

Kể chuyện EURO 1976: Panenka làm thơ bằng bóng - Ảnh 3
Panenka và cú sục bóng đi vào huyền thoại

Panenka nghĩ gì mà lại làm vậy với Maier? Nghĩ gì mà làm vậy trong một trận chung kết EURO? Ông đang dạo chơi trong vườn nhà sao? Panenka đã dội một gáo nước buốt giá vào sự tự tin của người Đức bằng quả penalty tài tử đó.

Zidane, Pirlo, Ramos - những hậu bối thiên tài đều đã thực hiện cách đá penalty kinh điển này nhưng tất cả đều chỉ là bản copy không bao giờ sánh được. Cái điên rồ của Penenka không nằm ở kỹ thuật, mà là việc dám làm nó.

Khởi nguồn của ý tưởng này chỉ là vì Penenka muốn tiết kiệm tiền mua socola và bia cho đồng đội. Số là Penenka và thủ môn của đội Bohemians Praha thường xuyên ở lại sau giờ tập để đấu trí trên chấm phạt đền, ai thua thì phải thiết đãi người kia. Penenka thua quá nhiều và phải vắt óc suy nghĩ ra một cách để đánh lừa đồng đội. Ý tưởng về một cú lốp bóng hình thành và giúp Penenka dần được ăn socola và uống bia nhiều hơn.

Kể chuyện EURO 1976: Panenka làm thơ bằng bóng - Ảnh 4
Tiệp Khắc ăn mừng chức vô địch sau khi đổi áo với đội tuyển Đức

Nhưng vì sao lại là ở chung kết EURO? "Tôi chọn thực hiện cú sút đó ở trận chung kết vì nhận ra đó là cách dễ nhất và đơn giản nhất để ghi bàn, công thức của nó rất đơn giản", Penenka nhớ lại. Vậy đó, đơn giản vậy thôi, một khoảnh khắc siêu thực xuất hiện.

Pele từng nói: "Bất cứ ai thực hiện quả penalty đó hẳn là một thiên tài hoặc một gã điên". Bại tướng Franz Beckenbauer cố bình tĩnh: "Chỉ nhà vô địch chân chính mới có thể nghĩ ra giải pháp đó". Còn tạp chí France Football chỉ giật tít ngắn gọn: "Một nhà thơ bóng đá vừa chào đời".