EURO 2024 Nhật ký Euro

Kể chuyện EURO 1972: Ma mới chơi thứ bóng đá thế kỷ

Thứ sáu, 04/06/2021 09:40 (GMT+7)

Tin được không, trước khi bị gắn mác xù xì là Cỗ xe tăng, ĐT Đức từng là một chiếc xe hoa, với toàn những nhà thơ lãng mạn ngồi phía trên. EURO 1972 là ngày hội châu lục đầu tiên mà Đức tham gia, và cũng là nơi họ trình bày thứ bóng đá Ramba-Zamba-Fußball vô tiền khoáng hậu.

Khi người đời sau tìm hiểu về Đức tại EURO 1972, những cái tên đập ngay vào mắt họ chắc chắn sẽ là "hoàng đế" Franz Beckenbauer hay "máy dội bom" Gerd Muller. Nhưng kiến trúc sư thực sự của tập thể vĩ đại đó là Gunter Netzer - một Mesut Ozil của những năm 70.

Thật vậy, gây ấn tượng mạnh bởi mái tóc dài vàng óng, cách di chuyển như bèo dạt mây trôi của Netzer cũng khác biệt hoàn toàn với trào lưu tiều phu thịnh hành ngày ấy.

Là cầu thủ Tây Đức đầu tiên giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất 2 năm liên tiếp, có mặt trong Đội hình tiêu biểu Bundesliga của Kicker trong 7 năm liên tiếp, đó là Netzer - một thần tượng của giới trẻ Đức.

Kể chuyện EURO 1972: Ma mới chơi thứ bóng đá thế kỷ - Ảnh 1
Gunter Netzer - một Mesut Ozil của những năm 70

Không ai khác, chính Netzer nâng tầm Đức trở thành "nàng thơ" của bóng đá châu Âu trong năm 1972, một liều vaccine đâm thẳng vào ven của cái nôi phòng ngự bạo lực. Ấn phẩm đến từ xứ mộng mơ L’Equipe còn phải thốt lên "Đức đang chơi thứ bóng đá của năm 2000". "Người Đức mang đến khoái cảm khi theo dõi", Geoffrey Green viết trên The Times. "Họ là ánh sáng tinh khiết được chắt lọc qua một lăng kính".

Bí quyết của thành công? Netzer chỉ ngắn gọn: "Tự tin". Bằng một cách nào đó, ông truyền sự tự tin đó cho tất cả đồng đội. Trước trận chung kết gặp Liên Xô, Beckenbauer nói: "Tất nhiên, Tây Đức sẽ vô địch". Họ đang nói về một tân binh lần đầu góp mặt trong cuộc chiến với gã khổng lồ đã vào chung kết ở 3 trong 4 kỳ EURO đầu tiên. Nhưng sau 90 phút, Netzer và Beckenbauer không hề chém gió, Đức thắng 3-0, bắt đầu thời kỳ hoàng kim của nền bóng đá quốc gia này.

Kể chuyện EURO 1972: Ma mới chơi thứ bóng đá thế kỷ - Ảnh 2
Đức thắng Liên Xô ở trận chung kết EURO 1972

Nhưng trận đấu tiêu biểu của Đức tại chiến dịch đó không đến ở VCK - nơi vốn chỉ bắt đầu từ vòng bán kết. Nó đến ở 2 lượt đấu tứ kết gặp người Anh. 

Nhân nói về những sự thật khó tin thì Anh từng là khắc tinh số 1 của Đức. Thất bại ở trận chung kết World Cup 1966 là trận thua thứ 7 của Đức trước Anh. Những năm sau, Đức dần lấy lại thể diện với một vài chiến thắng nhưng họ đứng trước một thử thách: Không một đội bóng nào ở lục địa châu Âu từng đánh bại Anh tại Wembley trong một giải đấu chính thức.

Nhưng sau trận lượt đi ở Wembley, đến truyền thông xứ sương mù còn phải thừa nhận: "Họ có những cầu thủ kỹ thuật hơn hẳn, với sự kết hợp vượt trội vô hạn về trí tưởng tượng. Đức đã đánh bại Anh bằng trí tuệ".

Kể chuyện EURO 1972: Ma mới chơi thứ bóng đá thế kỷ - Ảnh 3

Đây chính là trận đấu mà L’Equipe miêu tả người Đức đã dùng cỗ máy thời gian để mang bóng đá của năm 2000 về. Họ kiểm soát hoàn toàn trận đấu với hệ thống dùng 2 cầu thủ làm bóng trong bộ khung 1-3-3-3. Beckenbauer đá thòng, còn Netzer là tiền vệ trung tâm nhưng 2 con người này thường xuyên đổi vị trí với nhau. Netzer lùi xuống để Beckenbauer băng lên xộc thẳng vào trung lộ của người Anh. Không gì bất ngờ bằng những cú đấm trực diện vào thẳng ngực, vì khi đó hệ thống phòng ngự của đối thủ đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn.

Chiến thuật đó là ý tưởng của Netzer, dựa trên điều ông từng làm cùng Jurgen Wittkamp ở Borussia Monchengladbach. Khi Netzer và Beckenbauer trình bày ý tưởng này tới HLV Helmut Schon, họ nhận được câu trả lời: "Muốn làm gì thì làm, tôi không quan tâm".

Bild gọi cách chơi này bằng thuật ngữ "Ramba-Zamba-Fußball", chẳng có nghĩa cụ thể nào cả, mà giống như những lời cảm thán "razzmatazz, hullabaloo" được dùng trong các bữa tiệc.

Kể chuyện EURO 1972: Ma mới chơi thứ bóng đá thế kỷ - Ảnh 4
Gerd Muller tại EURO 1972

"Nó còn hơn cả chiến thuật", nhân chứng sống Uli Hesse nhớ lại. "Đó là cảm giác lan tỏa xuyên suốt tập thể và họ có chung tư tưởng tấn công. Mọi người rất vui. Họ đều đang thư giãn ở trong chính trận đấu. Đó là thứ mà tôi muốn truyền đạt nhất: Một sự vô tư chưa từng có trước đây và chắc chắn cũng phải mất rất lâu mới lặp lại".

Với những thước phim đen trắng quay lại Wembley ngày hôm đó, nên lồng thêm nhạc jazz du dương để đẩy khoái cảm thưởng thức bóng đá đột phá lên tầm cao mới.