-->
iThethao.vn - Trang tin Thể Thao hàng đầu Việt Nam
facebook tiktok youtube
Gửi bài
back-to-top
Esports Tốc chiến

Giám đốc Trần Sơn: Tiền có thể kiếm cả đời, nhưng tấm huy chương SEA Games thì chỉ đến một lần mà thôi

Chủ nhật, 15/05/2022 11:05 (GMT+7)

Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến là bộ môn “mở bát” cho Thể thao điện tử (Esports) tại SEA Games 31. Dưới góc nhìn của Giám đốc phát triển Esports của tập đoàn VNG - Trần Sơn, Tốc Chiến sẽ là “niềm hy vọng Vàng” của đoàn thể thao Việt Nam, nhất là khi được thi đấu trên sân nhà Hà Nội.

Trò chuyện cùng Thethao.vn, Giám đốc Trần Sơn chia sẻ rằng Tốc Chiến Việt Nam hoàn toàn có thể giành Huy chương Vàng ở cả nội dung đồng đội nam và nữ. Bên cạnh đó, anh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của SEA Games 31 với Esports nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung, vì đã 19 năm rồi tất cả mới có thể đại diện quốc gia thi đấu ngay trên sân nhà và “đời người có lẽ chỉ có một cơ hội này thôi”.

Giám đốc Trần Sơn: Tiền có thể kiếm cả đời, nhưng tấm huy chương SEA Games thì chỉ đến một lần mà thôi - Ảnh 8

Hơn 1 năm qua, vị trí của anh tại tập đoàn VNG nói chung và Game Studio 3 không có gì thay đổi. Vậy với môn Tốc Chiến đã có gì thay đổi trong 1 năm qua?

Thay đổi lớn nhất của Tốc Chiến trong năm vừa qua nằm ở việc định hướng sản phẩm và việc lập ra lộ trình Esports cụ thể cho thời gian tới. Cụ thể, Tốc Chiến sẽ có thêm giải đấu hệ thống khu vực, định danh lại các khu vực chính trên thế giới.

Năm ngoái, chúng tôi chỉ có khu vực SEA, năm nay đã có thêm các khu vực khác. Ví dụ, ở Hàn Quốc chúng tôi đã thành lập giải đấu WCK. Dù sự phát triển của Tốc Chiến ở Hàn Quốc chưa mạnh như Trung Quốc nhưng chúng tôi có đội ngũ WCK chính là những người sản xuất LCK. Các đội thi đấu đều là các đội được đầu tư chuyên nghiệp. Hiện tại, mặt bằng chung các đội Hàn Quốc chưa cao, vì thế mạnh của Hàn Quốc không nằm ở các tựa game mobile.

Vì đã có sự phân chia các khu vực nên các giải đã có lộ trình rõ ràng, các đội cũng có kế hoạch cụ thể để đầu tư. Họ biết giai đoạn này mình nên làm gì. Hiện nay hệ thống giải đấu Tốc Chiến có thời lượng khá ngắn, thời gian kết thúc sẽ rơi vào khoảng tháng 7. Sau tháng 7 được gọi là off-season. Đây là giai đoạn các giải đấu nhỏ hơn hay các trận giao hữu cùng nhau giữa các khu vực có thể diễn ra.

Tốc Chiến không cố định các mùa giải như LMHT. Điều này giúp tránh tình trạng thi đấu cuốn chiếu, không có thời gian nghỉ ngơi. Ví dụ như ở LMHT, các đội bắt buộc phải cuốn theo nhịp độ của các giải, ai không theo kịp sẽ bị đào thải. Các đội khó có có thời gian nghỉ ngơi. Dễ thấy như ở SEA Games 31 lần này, GAM phải thi đấu liên tục mà không có nhiều khoảng trống giữa các giải đấu. Hay như VCS, đội nào không lọt vào Top 4 thì sẽ phải “ngồi chơi” tới tận mùa giải sau. Điều này đe dọa trực tiếp đến những hoạt động tài chính của tổ chức.

Tốc Chiến tạo ra giai đoạn off-season kéo dài cho các đội có đủ thời gian để xây dựng lại đội hình, tuyển dụng hay tổ chức giải đấu. Đồng thời, đây cũng thời gian dành cho các khu vực nhỏ hoặc các đội nhỏ hơn tham gia các giải đấu cọ xát cho mùa giải chính.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào tới lộ trình phát triển Tốc Chiến của GS3?

Tốc Chiến đã có điểm rơi không được ổn định trong năm 2021, đặc biệt là khi xét đến những đặc điểm Esports. Với những game có các hoạt động Esports thì mọi người luôn kỳ vọng vào việc có cộng đồng lớn, với nhiều hoạt động phát triển cộng đồng.

Đặc thù của Esports là sự kết nối và tương tác, điều này là một trong những khó khăn trong việc phát triển Tốc Chiến trên thế giới trong năm 2021 vừa qua. Không chỉ ở SEA, các khu vực khác cũng không thể chọn được thời điểm phù hợp để ra mắt các hoạt động Esports. 

Giám đốc Trần Sơn: Tiền có thể kiếm cả đời, nhưng tấm huy chương SEA Games thì chỉ đến một lần mà thôi - Ảnh 3

May mắn là Việt Nam kiểm soát dịch bệnh cơ bản là ổn. Có nhiều nước khác như Trung Quốc và Hàn Quốc, các hoạt động thi đấu trực tiếp bị hủy bỏ. Với những môn đã phát triển rồi còn đỡ, các môn mới như VALORANT hay Tốc Chiến đang phải đối diện với nhiều khó khăn. Hy vọng rằng với tình hình dịch đc cải thiện thì chúng tôi có thể tổ chức thêm nhiều sự kiện hay hoạt động tương tác trực tiếp.

Sau khi trải qua những mùa giải được gọi là thử nghiệm (beta) ở cấp độ khu vực và quốc tế, Tốc Chiến Việt Nam đã hình thành sự chuyên nghiệp như thế nào ở thời điểm hiện tại?

Tốc Chiến hiện vẫn ở mức đang phát triển. Chúng ta có sự đầu tư của các tổ chức lớn về Esports ở trong và ngoài nước, có cả các đội mới và cũ. Đội cũ là từ game khác chuyển qua, đội mới là những tổ chức đầu tư mới vào Tốc Chiến.

Chúng ta cũng có sự đầu tư về mặt giải thưởng với quy mô không thua kém gì các tựa game lớn trên thế giới. Ví dụ như giải đấu WCS Finals vừa có tổng giải thưởng lên tới 200 nghìn USD. Sự đầu tư của nhà phát hành như Việt Nam và Riot Games là rất lớn. Với tựa game Esports như Tốc Chiến, để có thể phát triển thì không thể hoàn thành với chỉ 1 đến 2 năm mà cần tới 3 hay 5 năm để chín mùi.

Yếu tố khiến các đội chọn đầu tư vào một tựa game là khả năng thu lời. Có nhiều kênh để họ làm điều này. Trước hết là qua tiền giải thưởng. Cộng đồng luôn tồn tại những giải đấu với tổng giá trị giải thưởng thấp nhưng giá trị hình ảnh và truyền thông lại cao.

Giải thưởng lớn của Tốc Chiến cũng là yếu tố thu hút. Giả sử họ đầu tư vào 1 đội newbie (PV - người mới), họ sẽ không đặt mục tiêu vô địch hay trong Top 4, chỉ đơn giản tham gia có giải để bù đắp cho chi phí vận hành và có được chút phần dư. Điều này tùy thuộc vào mục tiêu tổ chức. Nếu họ muốn tối ưu chi phí đầu tư, họ đặt mục tiêu bù đắp chi phí. Nhiều đội có mục tiêu khác, họ nhắm tới giá trị hình ảnh trong cộng đồng.

Như Flash thì CEO chia sẻ 2021 với họ không phải là 1 năm thành công. Nhưng họ vẫn đầu tư, chi tiền để đưa về thêm nhiều ngôi sao trong cộng đồng. Họ tin rằng đây là thị trường tốt, có thể thành công được nên vẫn đầu tư.

Quả ngọt đến khi họ trở thành đại diện đi SEA Games 31, vô địch WCS Việt Nam 2022 để tham dự chung kết khu vực SEA. Hay như SEA Games 31 không hề có giải thưởng, nhưng tấm huy chương lại là ước mơ của mọi tuyển thủ. Thậm chí, họ còn phải bỏ tiền ra thêm khi đi thi đấu SEA Games 31 lần này. Tuy nhiên, danh hiệu và thành tích là cái không thể thể mua được. Chưa bàn đến chuyện vô địch, chỉ cần đại diện quốc gia tham dự đã mang lại giá trị hình ảnh khổng lồ.

Giám đốc Trần Sơn: Tiền có thể kiếm cả đời, nhưng tấm huy chương SEA Games thì chỉ đến một lần mà thôi - Ảnh 6

Việc chưa có kinh nghiệm thi đấu quốc tế dưới hình thức offline sẽ ảnh hưởng thế nào tới quá trình thi đấu của 2 đội Tốc Chiến Việt Nam ở SEA Games 31?

Với đội hình Team Flash tham dự SEA Games 31 lần này, chỉ có Elly là người có nhiều kinh nghiệm thi đấu trực tiếp (onlan). Dẫu vậy, tất cả VĐV khi lên sân khấu onlan thì vẫn có sự “run” nhất định.

Khi bước lên sân khấu với tư cách đại diện quốc gia thì bạn sẽ có tâm thế khác hoàn toàn. Việc đại diện quốc gia và thi đấu dưới màu áo CLB rất khác nhau, và tính chất màu cờ sắc áo với tính chất dân tộc cũng vậy. Cả nước khi đó sẽ nhìn vào bạn. Lúc ấy, bạn không có tên riêng hay tên đội nào, và chỉ đại diện cho cờ đỏ sao vàng.

Hơn nữa năm nay chúng ta còn là nước chủ nhà, có lợi về mặt khán giả, khiến cho mọi người càng có thêm nhiều kỳ vọng. Nước chủ nhà tuy có lợi thế hơn nhưng lại bị nặng tâm lý, rất khó để VĐV có thể quen với điều đó. Chúng ta vẫn hy vọng vào thành tích cao, nhưng cá nhân tôi vẫn hy vọng các bạn tuyển thủ sẽ có trải nghiệm đáng nhớ.

Hy vọng các tuyển thủ có thi đấu tốt, để tạo tiền đề cho Icons Global sắp tới. Vì đã 19 năm rồi chúng ta mới có thể đại diện quốc gia thi đấu ngay trên sân nhà. Đời người có lẽ chỉ có 1 cơ hội duy nhất này thôi.

Vậy đội tuyển Tốc Chiến Việt Nam sẽ có những áp lực gì tại SEA Games 31 lần này?

Một đội tuyển dù có phong độ dù cao hay thấp thì đều có áp lực, bởi không ai không muốn có được thành tích. Trong SEA Games lần này chúng ta có tổng cộng 40 bộ môn với rất nhiều huy chương. Trong đó đoàn Việt Nam đặt ra thành tích 150 HCV, tương đương một nửa số lượng HCV của kỳ đại hội.

Với những bạn lần đầu tham dự onLan, họ đã phải chịu áp lực khủng khiếp, lần này lại còn có áp lực sân nhà, đại diện quốc gia. Nhưng người ta nói nếu không có áp lực làm sao trưởng thành. Chắc chắn là không thể bỏ qua áp lực, nhưng hy vọng các bạn có thể vượt qua nó. Thực ra đây cũng chỉ 1 giải đấu trên con đường sự nghiệp của các bạn mà thôi.

Quá trình chuẩn bị của Tốc Chiến Việt Nam ở SEA Games 31 đã diễn ra như thế nào?

Việt Nam cũng là một trong những thành viên của Tốc Chiến, phối hợp cùng VIRESA sắp xếp lịch tập huấn và hỗ trợ chi phí để giúp các bạn tạm bỏ qua những nỗi lo “cơm áo gạo tiền”. 

Thành phần tham gia SEA Games 31 lần này ngoài những đội có đầu tư tổ chức như Team Flash, còn có các đội nữ lần đầu được tập hợp lại dưới tư cách một đội. Trước đó cũng có những đội nữ, nhưng thường chỉ mang tính thời vụ. Hiện tại thì các bạn đội nữ đã tập trung ở Hà Nội để luyện tập cùng nhau.

Đội nữ thì áp lực hơn nam rất nhiều, vì SEA Games 31 đánh dấu lần đầu tiên có một tựa game thi đấu tranh huy chương một cách thực thụ cho phái yếu. Các bạn nữ khi chơi game vốn đã có áp lực, thêm vào đó là việc đại diện quốc gia và phải chịu đựng những phản ứng tiêu cực từ khán giả. Hy vọng các bạn sẽ coi đây là động lực để phát triển, cố gắng quyết tâm luyện tập hơn. Bản thân mình thời điểm trẻ chưa chắc đã có thể vượt qua được nhiều áp lực để thi đấu như các bạn ấy. 

Trước giờ thể thao chuyên nghiệp cho nữ giới không được đầu tư như nam giới. Số lượng tuyển thủ chuyên nghiệp nữ ít hơn hẳn so với nam. Nữ giới có thể làm tốt trong nhiều lĩnh vực, nhưng những định kiến và rào cản chuyện gia đình nội trợ thường là rào cản cho các bạn phát triển sự nghiệp.

Trước giờ chị em phụ nữ vẫn luôn chịu thiệt thòi, các bạn nữ cũng thiếu cơ hội cọ xát cùng các đội khác. May mắn là hiện tại các bạn cũng có những buổi tập huấn, giao hữu hay thậm chí là đánh cùng các đội nam để nâng cao trình độ và chuẩn bị tốt hơn cho trận đấu. Trong trường hợp như hiện tại, khi đội nữ không biết rõ về đối thủ của mình thì họ cần phải nâng cao trình độ của bản thân. Có câu nói: “Master yourself, master the enemy”, tạm dịch “Biết rõ chính mình, làm chủ đối phương”. Nếu mình không thể biết rõ đối phương, chúng ta cần hiểu rõ chính mình để vượt qua tất cả.

Giám đốc Trần Sơn: Tiền có thể kiếm cả đời, nhưng tấm huy chương SEA Games thì chỉ đến một lần mà thôi - Ảnh 7

Theo như anh nói thì đội tuyển nữ phải chịu nhiều thiệt thòi khi thi đấu tại SEA Games 31. Vậy ý nghĩa của việc đội nữ thi đấu tại kỳ đại hội lần này là gì? Cánh cửa nào sẽ mở ra cho họ nếu họ giành được tấm huy chương tại SEA Games 31?

Việc có một bộ môn cho nữ được đưa vào thi đấu tại SEA Games 31 đã là một bước tiến rất lớn. Nó đánh dấu cho việc chúng ta thừa nhận VĐV nữ có vị thế nhất định chứ không phải là những tuyển thủ tự do nữa.

Tôi đã xem nhiều trận đấu và khả năng xử lý của các bạn nữ là không thể đùa được. Giờ đây, các bạn thiếu giải đấu để thể hiện và chưa có nhiều cơ hội để trau dồi về chiến thuật. Kỹ năng cá nhân có thể luyện tập, nhưng chiến thuật thì phải trải qua nhiều trận đấu mới có thể để học được. Đặc biệt là ở những tựa game MOBA, chiến thuật quyết định rất nhiều tới cục diện thắng thua của trận đấu.

Nếu có huy chương thì đây sẽ là bước đà cho các bộ môn khác tổ chức các giải đấu cho đội nữ. Chúng ta cố gắng biến lợi thế SEA Games thành bước chạy đà tốt để bật cao hơn. Hy vọng đây là dịp để mọi người thấy được năng lực của đội nữ, từ đó sẽ có những sự phát triển cho phái nữ trong Esports.

Việt Nam có nguồn đầu tư rất lớn, lượng người chơi đông đảo thì tại sao chúng ta không khai thác thêm những tuyển thủ nữ. Tốc Chiến ở Việt Nam hiện cũng đang có rất nhiều giải đấu nữ.

Trong khu vực có lẽ chúng ta chỉ đứng sau Philippines, nơi có lượng người chơi nữ đông đảo. Đội nữ họ rất mạnh, số lượng đội tuyển tham gia giải đấu nữ đông. Các đội nữ của họ được cọ xát liên tục.

Giải đấu gần nhất của Philippines có hơn 50 đội nữ tham gia, trong khi đó ở Việt Nam chỉ có 16. Số lượng đội tham gia là yếu tố trực tiếp quyết định tỷ lệ cạnh tranh và mức độ đào thải. Và đây cũng vừa là cơ hội, vừa là thử thách cho phái yếu trong lĩnh vực Esports Việt Nam sau khi SEA Games kết thúc.

Anh đánh giá cơ hội cho Esports Việt Nam tại SEA Games 31 như thế nào?

Sáng, rất rất sáng. Tôi tin Việt Nam sẽ có HCV ở SEA Games 31. Mục tiêu của chúng ta là giành được 50% số HCV tương đương với 5 bộ môn có HCV. Tôi tin Tốc Chiến sẽ đóng góp vào bảng tổng sắp ít nhất 1 HCV. Đội nữ hiện chúng ta chỉ thua Philippines thôi, nhưng vẫn có thể giành được HCV. Tôi nghĩ thậm chí mình có thể có 2 HCV, nhưng đặt mục tiêu thì mình sẽ nói thấp xuống xíu, nói trước dễ bước không qua. 

Đâu là yếu tố quan trọng nhất ở SEA Games 31?

Hiện tại về mặt nhân sự chúng ta đã ổn định. Cái tôi mong muốn là các bạn có tinh thần thi đấu đúng đắn. Các bạn bước vào giải đấu với tư cách là đại diện quốc gia, thi đấu với tinh thần dân tộc. Rất khó để một VĐV có thể đại diện cho nước nhà đi thi đấu.

Nếu có huy chương, chúng ta sẽ có thêm “bùa lợi” cho các hoạt động sau này. Trước hết là ở xã hội, họ sẽ có sự công nhận nhất định với Esports. Chúng ta có thể “chung mâm” với bóng đá, bóng chuyền, cầu lông. Tất nhiên, không phải tuyển thủ nào cũng có thể thành công. 

Có nhiều tuyển thủ ở các bộ môn khác, ví dụ như bóng đá nữ, họ còn phải vất vả làm nhiều công việc khác để duy trì sự nghiệp của mình. Các bạn tuyển thủ Esports may mắn hơn rất nhiều. Mức ảnh hưởng của các bạn trên các nền tảng mạng xã hội có lẽ chỉ thua các cầu thủ bóng đá nam, đôi khi còn vượt qua. Đó là lợi thế rất lớn, chúng ta đã ổn định về mặt tiềm lực tài chính rồi, cái chúng ta cần làm là phát triển thêm về hình ảnh và con người và nhìn nhận của xã hội.

Giám đốc Trần Sơn: Tiền có thể kiếm cả đời, nhưng tấm huy chương SEA Games thì chỉ đến một lần mà thôi - Ảnh 4

Hệ sinh thái của Esports nói chung cần được đại chúng hóa, không nói riêng bộ môn nào. Với tôi đây là một cơ hội để chứng minh cho xã hội điều mà chúng ta đang làm không hề sai. Việc nhìn thấy cái mà chúng ta đang theo đuổi được công nhận là điều rất tuyệt vời.

Ở kỳ SEA Games lần này, các tuyển thủ không chỉ mang tới đam mê cá nhân, mà họ còn là minh chứng cho việc Esports không phải là gánh nặng xã hội, mà chúng ta cũng mang lại những đóng góp, giá trị vô hình. Mọi người sẽ nhìn nhận Esports như một hệ sinh thái, không chỉ có các tuyển thủ, mà còn nhà đầu tư, những nhân viên hậu cần, tạo thành một hệ thống vận hành hoàn chỉnh.

Đối trọng của Tốc Chiến Việt Nam ở SEA Games 31 là ai?

Đối với Tốc Chiến nam là Thái Lan. Đội đại diện Thái Lan là Buriram United Esports. Hình ảnh và sức ảnh hưởng của họ ở Thái Lan là rất lớn, họ đến từ CLB bóng đá lớn với thành tích áp đảo tại thị trường trong nước.

Team Flash vẫn chưa phải đội tuyển có sự áp đảo hoàn toàn ở Việt Nam, nhưng Buriram United Esports thì gần như bao trùm cả thị trường quốc nội. Lần này Thái Lan họ đặt mục tiêu không hề thua kém Việt Nam.

Ai thường xuyên theo dõi Esports thì sẽ thấy Thái Lan họ rất mạnh, nếu có thua họ chỉ thua Việt Nam. Trong rất nhiều bộ môn khác cũng vậy, Thái Lan và Việt Nam luôn có sự cạnh tranh mạnh mẽ. Về mặt đầu tư, Thái Lan và Việt Nam không hơn thua nhau nhiều. Nhưng đội tuyển Việt Nam cũng có lợi thế là Buriram United Esports có thể sẽ chủ quan. 

Giám đốc Trần Sơn: Tiền có thể kiếm cả đời, nhưng tấm huy chương SEA Games thì chỉ đến một lần mà thôi - Ảnh 5

Vậy SEA Games 31 liệu có phải là cuộc đua song mã giữa Việt Nam và Thái Lan?

Không thể nói như vậy được. Trong cuộc đua ngoài những con ngựa chiến thì còn rất nhiều con ngựa ô có thể ngáng đường. Ví dụ như Philippines hay Indonesia có sự đầu tư và số lượng người chơi rất đông. Mặt đầu tư về con người và sự cạnh tranh của họ rất dữ dội. 

Không thể coi thường những nước khác được. Dù cho chúng ta nhìn nhận đối thủ lớn nhất của mình là Thái Lan, nhưng khi bước vào cuộc chơi tất cả đều là đối thủ của mình. Kể cả những quốc gia có sự đầu tư ít hơn vào Esports, một ngày nào đó họ vẫn có thể thắng bạn như bình thường. Esports là một bộ môn không có giới hạn, ai cũng có thể chiến thắng. Ví dụ như Việt Nam đã nhiều lần chứng minh cho thế giới thấy ta có thể thắng bằng cái đầu, dù cho chúng ta thua kém về thể hình hay vóc dáng.

Bước vào kỳ SEA Games 31 lần này, chúng ta có 8 bộ môn thi đấu đa phần đến từ 2 nhà phát hành lớn là VNG và Garena. Liệu VNG có áp lực nào về việc phải giành thành tích cao hơn so với Garena hay không?

Không hề. Khi mà Esports lần đầu bước chân vào đại hội thể thao thì không có sự cạnh tranh giữa các nhà phát hành hay các bộ môn nữa. Tất cả đều cùng đóng góp vào sự thành công chung của nước nhà. Đó là một trong những điều xóa tan ranh giới.

Ở đây chúng ta cùng là người con nước Việt Nam, và chúng ta phải làm thế nào để đạt thành tích cao nhất. Đây còn là một sự kiện Esports với quy mô rất lớn và là bộ môn xã hội hóa, tức là kinh phí tổ chức không đến từ nhà nước mà nó là sự đầu tư tiền bạc và công sức của các công ty hay tổ chức như VNG, Garena hay VTC. Rất nhiều mồ hôi và nước mắt đã được đặt vào đại hội lần này.

Bản thân anh có kỳ vọng gì về SEA Games 31?

Cả nền Esports đặt kỳ vọng giành 5 HCV tại kỳ SEA Games 31. Cá nhân tôi thì kỳ vọng cao hơn chút xíu. Tôi không kỳ vọng về mặt huy chương, mà tôi mong đợi màn thể hiện của các tuyển thủ tại SEA Games lần này.

Tôi cũng không nhìn vào một môn nào cả, mà nhìn vào cả hệ sinh thái Esports. Các bạn phải mang tới một màn trình diễn đúng với trình độ của một tuyển thủ, các bạn phải khiến cho khán giả dù họ không xem hay không hiểu về game, họ vẫn thấy được giọt mồ hôi trên trán, những vất vả và nỗ lực mà bạn mang tới SEA Games lần này.

Giám đốc Trần Sơn: Tiền có thể kiếm cả đời, nhưng tấm huy chương SEA Games thì chỉ đến một lần mà thôi - Ảnh 1

Vậy nếu có thành tích, GS3 có thưởng gì cho các VĐV không?

Nếu các bạn VĐV thi đấu với tâm lý mong chờ giành huy chương để mang về khoản tiền thưởng thì các bạn đã nghĩ sai rồi. Những gì các bạn mang lại nó vượt qua những con số, thành tích các bạn đạt được sẽ mang lại nhiều hơn những gì các bạn chờ đợi.

Khi bước vào thi đấu, các bạn phải đặt chiến thắng lên hàng đầu. Tất cả những con số, phần thưởng khác đều không có ý nghĩa. Khi các bạn cầm tấm huy chương SEA Games lên, đó là thành tựu của cả đời, rất khó có lần thứ hai. Đây là thứ tiền không thể mua được. Ví dụ như tham gia WCS Finals các bạn có thể giành vài ngàn USD khi vô địch, thậm chí là khi tham dự Icons Global thì con số còn nhân lên nhiều lần. Dẫu vậy, tiền là thứ có hạn, nhưng danh vọng là vô hạn. Khi các bạn cầm tấm huy chương lên thì mọi con số đều vô nghĩa.

Tiền có thể kiếm được cả đời, nhưng tấm huy chương SEA Games thì có lẽ chỉ đến 1 lần trong đời người mà thôi.

- Cảm ơn anh về cuộc phỏng vấn.

Giám đốc Trần Sơn: Tiền có thể kiếm cả đời, nhưng tấm huy chương SEA Games thì chỉ đến một lần mà thôi - Ảnh 2
TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá