-->
iThethao.vn - Trang tin Thể Thao hàng đầu Việt Nam
facebook tiktok youtube
Gửi bài
back-to-top
World Cup

ĐT Đức lần thứ 2 liên tiếp bị loại từ vòng bảng World Cup: Tột cùng của bất lực

Chủ nhật, 04/12/2022 09:46 (GMT+7)

Những vấn đề cố hữu của Đức rõ ràng đến nỗi tất cả đều thấy được, nhưng chẳng ai biết làm sao để giải quyết, và cuối cùng là bất lực nhìn đội tuyển từng 4 lần vô địch thế giới thêm một lần nữa bị loại từ vòng bảng World Cup.

Đức đã bị loại khỏi World Cup 2022, lần thứ 2 liên tiếp dừng bước ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh ngay từ vòng bảng. Đó là điều chưa có tiền lệ trong lịch sử 92 năm của World Cup. “Chúng tôi đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội”, Joshua Kimmich chua chát. Trong khi đó, đội trưởng Manuel Neuer cho rằng hàng phòng ngự “quá dễ bị tổn thương”.

ĐT Đức lần thứ 2 liên tiếp bị loại từ vòng bảng World Cup: Tột cùng của bất lực - Ảnh 4
Việc Đức bị loại sớm là hệ quả của hàng loạt vấn đề không có lời giải

Cả hai đều nói đúng. Chẳng cần đến 2 tuyển thủ đóng vai trò trụ cột, bất cứ người hâm mộ nào theo dõi Đức cũng có thể nhận xét điều tương tự. Trong trận đấu chia tay World Cup 2022, Die Mannschaft đã 4 lần xé lưới thủ môn Keylor Navas. Nhưng hệ số bàn thắng kỳ vọng (xG) của họ là 6,06, tức đủ để ghi tới 8 bàn, chứ không chỉ 4.

Nếu ghi 8 bàn, Đức đã chẳng phải chờ đến một “ân huệ” từ Tây Ban Nha, và rồi bị loại. Như HLV Hansi Flick đã nói, ông không thể trách La Roja vì để thua Nhật Bản. Dù đó có là “âm mưu” đi chăng nữa, người hâm mộ Die Mannschaft cũng đâu có quyền đổ lỗi, khi mà việc rơi vào thế chân tường là do chính đội tuyển của họ chuốc lấy.

Việc phung phí cơ hội một cách khủng khiếp đã trở thành căn bệnh nan giải với Đức. Càng bỏ lỡ cơ hội, càng phải tiếp tục tấn công, và càng cố tấn công thì càng để lộ khoảng trống có thể dễ đến việc thủng lưới. Trước Costa Rica, đoàn quân của HLV Flick đã cho thấy sự bất ổn cũng như mất cân bằng ở cả hai đầu khung thành, điều đã kéo dài suốt từ sau EURO 2016.

ĐT Đức lần thứ 2 liên tiếp bị loại từ vòng bảng World Cup: Tột cùng của bất lực - Ảnh 3
Đức phòng ngự kém và không biết cách chuyển hóa cơ hội thành bàn thắng

Kể từ sau EURO 2016 với thất bại trước Pháp tại bán kết, Đức đã tham dự 3 sân chơi lớn, gồm 2 kỳ World Cup và 1 EURO. Nghe có vẻ khó tin, thậm chí có chút… bàng hoàng nhưng thực tế là Die Mannschaft không thể giữ sạch lưới ở bất cứ trận đấu nào trong cả 3 giải đấu này. 

Bên cạnh những vấn đề mang tính trừu tượng như yếu tố thủ lĩnh, tinh thần hay sự tập trung thì có thể nói rằng việc Đức thất bại đến ngay từ khâu đào tạo cầu thủ. Trong suốt những năm qua, chính xác là từ sau World Cup 2014, họ đã chật vật với vị trí tiền đạo cắm, trung vệ cũng như hậu vệ cánh. 

Những tài năng mà Đức sản sinh trong vài năm trở lại đây mang đặc điểm chung là có kỹ thuật và tư duy tốt nhưng đổi lại, chẳng có sự lạnh lùng hay chất “quái” cần thiết. Như Antonio Rudiger thẳng thắn nhận xét, đội bóng của anh quá ngây thơ, không biết “chơi xấu” tùy thời điểm.

ĐT Đức lần thứ 2 liên tiếp bị loại từ vòng bảng World Cup: Tột cùng của bất lực - Ảnh 1
HLV Flick cũng mắc nhiều sai lầm về mặt nhân sự

“Chúng tôi không chỉ thiếu may mắn, mà còn bất lực. Đối thủ chẳng cần làm gì nhiều để ghi bàn vào lưới Đức”, Kimmich thừa nhận. Gay gắt hơn một chút là Thomas Muller, người có lẽ đã đá trận cuối cùng trong màu áo tuyển quốc gia: “Chúng tôi đều không có những cầu thủ thực sự phù hợp, chỉ chuyên trách một vai trò ở mọi vị trí”.

Muller cũng chính là minh chứng, khi anh không phải “số 9” mà vẫn bị HLV Hansi Flick gò ép vào vai trò này trong suốt hành trình ngắn ngủi của Đức tại World Cup 2022. Hiệu quả đương nhiên là con số không, chưa kể những sắp xếp mang tính gượng ép như để Ilkay Gundogan đá “số 10”, với mục đích đỡ phải cho tiền vệ này dự bị, hay 3 trận sử dụng tới 4 người khác nhau ở vị trí hậu vệ phải.

ĐT Đức lần thứ 2 liên tiếp bị loại từ vòng bảng World Cup: Tột cùng của bất lực - Ảnh 2
Những cầu thủ như Muller vô tình trở thành "nạn nhân" trong cơn khủng hoảng không có hồi kết

EURO 2024, giải vô địch châu Âu trên sân nhà được coi là mục tiêu tối thượng với người Đức. Không phải 2 năm, thời gian cho HLV Flick cùng những quan chức của Liên đoàn bóng đá nước này (DFB) để tìm ra giải pháp cho một sự trở lại mạnh mẽ chỉ còn 18 tháng.

Tuy nhiên, quãng thời gian ít ỏi đó liệu có đủ để giúp Đức hồi sinh và tìm lại đúng vị thế khi bước vào EURO 2024? Rất khó để nói vì chất lượng cầu thủ trẻ của Die Mannschaft hiện không cao, với chưa đầy 5 cái tên thuộc vào dạng “có thể trở thành ngôi sao”, gồm Jamal Musiala, Florian Wirtz hay phần nào đó là Youssoufa Moukoko. Nhưng chừng đó là quá ít để có thể giải quyết sự bất lực đến tột cùng của đội tuyển từng 4 lần vô địch thế giới.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá