Cuộc đua ngoại binh bóng chuyền: Người thì hừng hực, kẻ vẫn thờ ơ
Thứ ba, 07/06/2022 14:25 (GMT+7)
Mùa giải 2022, bóng chuyền Việt Nam bắt đầu mở cửa với ngoại binh và hiện tại, các đội bóng bắt đầu rục rịch cuộc đua khốc liệt.
Sau đúng 10 năm cấm cửa, mùa giải 2022 bóng chuyền Việt Nam bắt đầu đón ngoại binh trở lại. Mặc dù chỉ là mới mở cửa nhưng cho đến thời gian hiện tại, các đội bóng đã bổ sung khá nhiều ngoại binh cho mình để chuẩn bị cho giải bóng chuyền VĐQG Cúp Hóa chất Đức Giang 2022.
Mở đầu cuộc đua phải kể tới đội bóng vừa lên hạng mùa này - Bamboo Airways Vĩnh Phúc khi họ liên hệ với chủ công người Venezuela. Đây là một trong những VĐV đẳng cấp khi đã là thành viên đội tuyển quốc gia tham dự các giải đấu lớn và khẳng định được mình trên bình diện làng bóng chuyền thế giới. Sau những khó khăn của nhà đầu tư là Hãng hàng không Bamboo Airways, hiện VĐV này được biết sẽ cập bến đội bóng chuyền đất Mỏ trong thời gian tới.
Đội bóng Ngân hàng Công thương cũng là một trong những đội bóng đi đầu trong việc tuyển mộ ngoại binh. Tại giải đấu tập huấn Vĩnh Phúc mở rộng tháng 3 vừa qua, HLV Kim Huệ cho biết đã liên hệ với 2 VĐV người Thái Lan và hợp đồng sớm được xúc tiến. Tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại, những thông tin về các bản hợp đồng ngoại này vẫn chưa được công bố.
Đội bóng chuyền nữ Kinh Bắc Bắc Ninh được biết tới là CLB nổ phát súng đầu tiên với 2 ngoại binh người Thái Lan. Phụ công Chitaporn Kamlangmak và đối chuyền Chompunuch Chitsabai đã sớm tới Việt Nam tập luyện cùng các đồng độ tại CLB Kinh Bắc Bắc Ninh trong tháng 5 vừa qua. Hiện tại, các VĐV này được đánh giá là hòa nhập tốt với các đồng đội dưới sự chỉ đạo của HLV Phạm Văn Long.
Tiếp ngay sau bản hợp đồng cả Kinh Bắc, đội bóng nhà giàu khác là Hóa chất Đức Giang Hà Nội của ông bầu Đào Hữu Huyền đã chiêu mộ tay đập chủ lực, thành viên đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia Cameroon - Laetitia Moma Bassoko. Được biết Moma Bassoko từng chơi cho VBC Chamalières năm 2014, đồng thời là thành viên đội tuyển quốc gia Cameroon tại Giải vô địch bóng chuyền nữ thế giới FIVB 2014 ở Ý và tại Thế vận hội Olympic 2016 ở Rio de Janeiro.
Tại nội dung nam, đội bóng chuyền nam Sanest Khánh Hòa đầu tư khủng khi họ mời VĐV Philip Freere. Đây là chủ công có chiều cao 1,90m và từng chơi cho các giải bóng chuyền lớn trên thế giới như Đức, Pháp hay Đan Mạch. CLB bóng chuyền nam Sanest Khánh Hòa là đội bóng có sự biến động lớn nhất mùa giải này khi HLV Bùi Quang Ngọc về nắm quyền thay HLV Thái Quang Lai, cạnh đó những nội binh xuất sắc như Phạm Quốc Dư cũng theo thầy cũ về thi đấu cho đội từ mùa giải này.
Cùng với Sanest Khánh Hòa, đội bóng chuyền nam Thể Công của HLV Thái Anh Văn cũng chiêu mộ VĐV ngoại mang quốc tịch Venezuela. Được biết VĐV Ivan Fernamdez có chiều cao và sở hữu cái tay trái cực khủng. Đây cũng là nhân tố thay thế hoàn hảo đối chuyền Nguyễn Văn Quốc Duy tại mùa giải trước khi tài năng trẻ này vừa cập bến Tràng An Ninh Bình sau khi giành ngôi Á quân cùng Thể Công mùa trước.
Một đội bóng mới lên hạng khác là XSKT Vĩnh Long cũng không hề kém cạnh khi chiêu mộ “nam thần” của đội bóng chuyền nam Quốc gia Thái Lan - Assanaphan Chantajorn. Đây là VĐV nhận được nhiều sự chú ý của khán giải Việt Nam tại SEA Games 31 vừa qua bởi ngoài sự hiệu quả trong thi đấu, anh chàng này còn là tâm điểm của ống kính khi liên tục thể hiện những pha ăn mùng đậm nét “uyển chuyển”.
Như vậy, có thể thấy cuộc đua ngoại binh của bóng chuyền nước nhà vẫn đang diễn ra hết sức hấp dẫn trước ngày giải bóng chuyền VĐQG Cúp Hóa chất Đức Giang 2022 khởi tranh. Cuộc đua về tiền bạc và danh hiệu trong mùa giải tới sẽ còn khốc liệt hơn trong những ngày tới khi các đội bắt đầu công bố những bản hợp đồng mới. Điều này giúp cho giải bóng chuyền nước nhà được nâng tầm một cách rõ rệt sau nhiều năm kém hấp dẫn.
Tuy là có sự xuất hiện của các ngoại binh chất lượng (trên lý thuyết) nhưng để khẳng định sự thành công hay thất bại của các bản hợp đồng thời vụ này phải chờ đến khi giải bóng chuyền VĐQG hạ màn. Theo quan sát, nhiều mùa giải trước các VĐV nước ngoài thi đấu tại Việt Nam phần nào khẳng định được thương hiệu cũng như trình độ nhưng bản thân cũng để lại rất nhiều vết sạn cho bóng chuyền nước nhà.
Cuộc đua ngoại binh sẽ còn được đẩy lên cao hơn nữa nhưng để sàng lọc và lựa chọn con người phù hợp với bóng chuyền Việt Nam thì cần nhiều thời gian kiểm chứng. Trao đổi với một số VĐV bóng chuyền nội, họ sẵn sàng cạnh tranh vị trí một cách sòng phẳng với các VĐV ngoại và cho biết, nhiều VĐV tới VĐV với các mục đích khác nhau bên cạnh việc kiếm tiền. Hơn nữa, với những VĐV này, sẽ cần nhiều thời gian để hòa nhập bởi trình độ của bóng chuyền Việt Nam so với các quốc gia này vẫn có một khoảng cách khá xa, chính vì thế nên đừng mong họ sẽ là người “gánh team” nếu như CLB không đủ đáp ứng về con người cũng như vật chất.
Có những đội bóng giàu truyển thống như BTL Thông tin hay Geleximco Thái Bình… cho tới thời điểm này vẫn nói không với ngoại binh chứng tỏ một điều họ có đủ lực hoặc thậm chỉ bỏ qua quân bài “ngoại binh” để tự chủ đào tạo cũng như dùng nội lực chinh chiến cho những mục tiêu riêng của mình. Điều này cho thấy bên cạnh cuộc đua ngoại binh sôi động thì nhiều CLB vẫn thờ ơ hoặc không đủ sức mạnh tài chính để theo các đối thủ trên con đường “đốt tiền” cho mục tiêu xa vời.