Công nghệ VAR được áp dụng ở môn Silat SEA Games 32 như thế nào?
Thứ ba, 09/05/2023 15:49 (GMT+7)
Là một trong những môn võ tiên phong áp dụng công nghệ VAR để giải quyết khiếu nại, Pencak Silat ở các kỳ SEA Games gần đây đã diễn ra với những trận đấu khiến người thắng kẻ thua đều tâm phục khẩu phục.
Bên cạnh bóng đá, quần vợt và nhiều môn thể thao khác, công nghệ VAR dần được đưa vào các môn võ thời gian gần đây để hỗ trợ trọng tài ra quyết định, cũng như giải quyết khiếu nại của các đội tuyển có võ sĩ tranh tài. Việc này được áp dụng cả trong những nội dung quyền biểu diễn (Seni) và thi đấu đối kháng.
Với các nội dung thi đấu đối kháng (Tanding), quy trình khiếu nại và áp dụng công nghệ VAR được tiến hành như sau:
- Huấn luyện viên (ngồi ở góc phía ngoài sàn thi đấu) rút thẻ HLV, giờ về phía trọng tài và hô khẩu lệnh yêu cầu khiếu nại.
- Sau khi tiếp nhận yêu cầu khiếu nại từ huấn luyện viên, ban tổ chức sẽ phát lại tình huống. Không chỉ có các trọng tài VAR được xem lại, mà cả các trọng tài chấm điểm cũng có thể theo dõi thông qua màn hình lớn và màn hình nhỏ được đặt xung quanh sàn thi đấu.
- Kết quả chấm lại được trọng tài đài công bố công khai sau khi tiếp nhận phán quyết từ trọng tài VAR và các giám sát có mặt ở hàng ghế Ban tổ chức.
Theo quy định của môn Pencak Silat, các nội dung thi đấu đối kháng của môn võ này kéo dài mỗi trận 3 hiệp, mỗi hiệp có 2 phút, nghỉ giải lao 1 phút giữa mỗi hiệp. Nhưng 2 phút này chỉ bao gồm khoảng thời gian "sống", tức thời gian thi đấu thực sự của cả 2 võ sĩ, không tính thời gian trọng tài can thiệp và giải quyết khiếu nại.
Vì lý do trên, mỗi trận đấu Pencak Silat ở SEA Games 32 thường kéo dài trung bình khoảng 20-30 phút, dài hơn khá nhiều so với thời gian trên lý thuyết (8-10 phút). Tuy nhiên, điều đó giúp công tác chấm điểm của những trận đấu được diễn ra công bằng, khách quan, mang đến những trận đấu cống hiến trong mắt khán giả.