-->
iThethao.vn - Trang tin Thể Thao hàng đầu Việt Nam
facebook tiktok youtube
Gửi bài
back-to-top
Bóng chuyền Bóng chuyền Việt Nam

Chuyển nhượng VĐV bóng chuyền Việt Nam: Yếu và thiếu ở đâu?

Thứ sáu, 14/01/2022 11:06 (GMT+7)

Chuyển nhượng bóng chuyền Việt Nam thời gian qua khá sôi động. Điều đó chứng tỏ các đội bóng chuyền tại Việt nam đang được đầu tư mạnh mẽ và rất bài bản.

Nhìn vào thị trường chuyển nhượng bóng chuyền Việt Nam thời gian này giống như thời điểm mà chúng ta vẫn cho sử dụng ngoại binh chục năm trước. Các thương vụ đình đám của bóng chuyền Việt Nam đã xuất hiện tạo nên một cuộc biến động lớn về nhân sự của các đội bóng tham dự giải bóng chuyền VĐQG 2022.

Trong suốt một thập kỷ đã qua, kể từ thời điểm bóng chuyền Việt cấm cửa ngoại binh thì thị trường chuyển nhượng gần như đóng lại. Đâu đó chỉ loanh quang những vụ vay mượn hoặc chuyển nhượng cũng chỉ là với giá trị rất thấp dựa trên những mối quan hệ VĐV-HLV hay giữa các đơn vị lãnh đạo với nhau.

Chuyển nhượng VĐV bóng chuyền Việt Nam: Yếu và thiếu ở đâu? - Ảnh 3
Chuyền hai Nguyễn Thu Hoài từng từ bỏ thương vụ bạc tỉ để ở lại Ngân hàng Công thương

Xuất khẩu cầu thủ cũng chỉ dừng lại ở một vài cái tên như Đỗ Thị Minh, Nguyễn Thị Kim Liên, Trần Thị Bích Thủy, Trịnh Thị Khánh… Thành công nhất có lẽ thuộc về 2 VĐV của VTV Bình Điền Long An là Nguyễn Thị Ngọc Hoa và Trần Thị Thanh Thúy. Điều này xuất phát từ tư duy làm bóng chuyền manh mún của một bộ phận không nhỏ những nhà quản lý và ngay cả bản thân các CLB cũng vướng vào những mục tiêu trong nước mà quên đi cái lợi lâu dài của việc xuất khẩu cầu thủ.

Năm 2022 trở thành một năm đặc biệt nhất của bóng chuyền Việt Nam khi chúng ta đang đứng trước những cuộc đổi thay mạnh mẽ nhất của gần 20 năm chuyển mình lên chuyên nghiệp. Những cuộc chuyển nhượng rầm rộ, những cuộc tháo chạy bên cạnh những bản hợp đồng tiền tỷ khiến giải bóng chuyền VĐQG trở nên sôi động hơn hẳn.

Hiện tượng đi đêm, câu kéo cầu thủ đã có hướng giải quyết?

Còn nhớ tại Đại hội đại biểu Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam nhiệm kỳ VII vừa qua tại Hà Nội, ông bầu Đào Hữu Huyền đã có những phát biểu phơi bày thực trạng của bóng chuyền Việt Nam. Việc quy chế chuyển nhượng VĐV bóng chuyền Việt Nam được xây dựng và hình thành cách đây 12 năm chưa một lần sửa đổi, bổ sung cho kịp với xu thế trở thành rào cản lớn đối với các đội bóng trong khi chúng ta đang tiến lên chuyên nghiệp.

Ông Đào Hữu Huyền lên tiếng khi chuyển nhượng VĐV, HLV trong những năm qua có vấn đề. "Bản thân chúng tôi chuyển nhượng đúng luật và việc chuyển nhượng của chúng tôi giúp phần tăng giá trị VĐV trong nước". Đặc biệt ông nhấn mạnh vào việc nên cho VĐV ngoại thi đấu "việc này làm cho các đội bóng đỡ chộp giật nhau, làm thay đổi không khí của bóng chuyền Việt Nam".

Như vậy có thể thấy rằng với bản quy chế đã quá cũ kỹ thì việc các đội được coi là “đi đêm, chèo kéo VĐV” mà chúng ta lên án vẫn đang thực hiện đúng luật. Ở đây, các đội bóng muốn có VĐV tốt họ có quyền liên hệ và ra giá thích hợp. VĐV cùng đơn vị chủ quản ngồi vào bàn làm việc đi đến thống nhất, họ có quyền lựa chọn về với đội bóng mới nơi có tiềm năng phát triển, có thu nhập và quan trong hơn không bị ràng buộc bởi những cơ chế quá cũ kỹ.

Chuyển nhượng VĐV bóng chuyền Việt Nam: Yếu và thiếu ở đâu? - Ảnh 1
Ninh Bình Doveco hoạt động sôi nổi nhất tại kỳ chuyển nhượng đầu mùa giải 2022

Cũng tại  Đại hội đại biểu Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam vừa qua, Tổng thư ký Lê Trí Trường có hé lộ về việc cho VĐV ngoại thi đấu trong thời gian tới. Đây là một vấn đề đã được đề cập rất nhiều trong những năm qua. Nếu như chúng ta cho phép VĐV ngoại thi đấu giúp cho sự cạnh tranh trở nên công bằng hơn. Lúc này, giá trị cầu thủ Việt sẽ trở lại với đúng giá trị thực vốn có chứ không có kiểu nâng giá, ép giá như thời gian qua.

Có thể thấy rằng thời điểm này giá trị cầu thủ Việt tăng đến chóng mặt với mức phí lót tay khổng lồ. Điều này đẩy các CLB thuộc diện hộ nghèo chỉ biết đứng nhìn VĐV dứt áo ra đi hoặc không có nổi quân tốt để thi đấu. Xu hướng dịch chuyển sức mạnh về các thế lực mới xuất hiện và mang lại nhiều vấn đề về chuyên môn của một giải đấu.

Sự chênh lệch về trình độ các đội ngày một gia tăng.

Như chúng ta đã biết, mùa giải bóng chuyền VĐQG 2022, đội bóng chuyền Ninh Bình Doveco đã có trong tay đội hình được đánh giá là cực mạnh. Họ sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các thế lực bấy lâu nay của bóng chuyền Việt Nam như BTL Thông tin - FLC, Hóa chất Đức Giang Hà Nội, VTV Bình Điền Long An. Tất cả nhờ vào việc “bạo chi” của lãnh đạo đội bóng.

Trước đó, những Kinh Bắc Bắc Ninh hay Hóa chất Đức Giang Hà Nội và thậm chí cả Bamboo Airways Vĩnh Phúc đều khẳng định mình bằng cách này. Nhân tài bóng chuyền trong nước không nhiều, thậm chí được coi là của hiếm nên việc các đội bóng gom quân khiến những “hộ nghèo” càng lún sâu trong khó khăn.

Giả sử một giải bóng chuyền VĐQG với chỉ khoảng 4-5 đội thực lực mạnh thi đấu bên cạnh đó cũng tầm đó đội bóng chỉ lê lết trụ hạng thì chất lượng giải sẽ trở nên rất thấp. Sẽ có những trận đấu “tiền tỉ” bên cạnh những trận đấu nhàm chán giữa các đội “hộ nghèo” và cả những cuộc so tài chênh lệch về đẳng cấp. Điều này đẩy giải đấu tới sự nhàm chán và quanh đi quẩn lại chỉ các đội “cá lớn” tranh nhau trong khi đó những đội “cá bé” chỉ tham gia góp vui cho họ.

Chuyển nhượng VĐV bóng chuyền Việt Nam: Yếu và thiếu ở đâu? - Ảnh 2
Ngân hàng Công thương gặp khó khi các VĐV tháo chạy

Như vậy, chuyển nhượng VĐV đang và đã góp phần tạo nên bức tranh đa sắc màu của làng bóng chuyền Việt Nam hiện tại. Nó đặt ra yêu cầu xã hội hóa từ bản thân các đội bóng, kêu gọi nhà tài trợ và dần dần chuyển mình lên chuyên nghiệp thông qua các công ty quản lý thể thao để đại diện cho họ và làm những việc ngoài chuyên môn để tạo điều kiện cho HLV và VĐV tạp trung tập luyện thi đấu.

Việc giảm số đội bóng để tăng chất lượng là cần thiết

Trước thực trạng đó, nhiều ý kiến cho rằng lộ trình giảm số đội bóng và thay đổi thể thức giải bóng chuyền VĐQG là cần thiết. Khi thị trường chuyển nhượng cầu thủ bóng chuyền trở nên chuyên nghiệp hơn thì hàng năm các VĐV được phép chuyển nhượng theo đúng quy chế. Bên cạnh đó là chuyển nhượng các VĐV ngoại giúp cho sức sống bóng chuyền Việt Nam được tươi mới hơn, các VĐV có sự cạnh tranh vị trí,thi đấu cọ xát với lực lượng chuyên nghiệp.

Để có thể tạo được môi trường của một giải đấu hàng đầu quốc nội hoàn thiện thì bên cạnh việc giảm số đội bóng, cho VĐV ngoại thi đấu và thay đổi thể thức là tối cần thiết. Trước khi nghĩ tới điều đó, quy chế chuyển nhượng VĐV cũng cần được thay đổi cho phù hợp với xu thế hiện đại. Hiện tại vấn đề chuyển nhượng VĐV vẫn đang là vấn đề nhức nhối của chúng ta khi bắt đầu xuất hiện hiện tượng “cá lớn nuốt cá bé”, “VĐV quay xe” sau khi đã có thỏa thuận.

Tuân thủ đúng luật và cần có hành lang pháp lý vững chắc trong chuyển nhượng

Chuyển nhượng VĐV bóng chuyền Việt Nam: Yếu và thiếu ở đâu? - Ảnh 4
Trận bán kết Than Quảng Ninh vs Hóa chất Đức Giang Hà Nội tại giải VĐQG 2021

Trước tiên, bản quy chế chuyển nhượng cần có sự đổi mới về điều lệ, quy định một cách rõ ràng trong tất cả các trường hợp. Có như thế, các đội bóng, VĐV, HLV và người tuyển trạch mới có thể dựa vào đó để thực thi các bản hợp đồng cần thiết. Một hành lang pháp lý rõ ràng dành cho các trường hợp là điều tối cần thiết giúp VĐV và cả đội bóng không thiệt thòi khi chúng ta thực hiện chuyển nhượng quốc tế.

Trong chuyển nhượng bóng chuyền hiện nay, đôi khi có những phát sinh ngoài ý muốn của một trong các bên khiến VĐV là người đứng giữa cũng gặp khó. Đôi khi ngay cả CLB chủ quản cũng trở thành nạn nhân của những điều luật chưa chặt chẽ như trường hợp của đội bóng Ngân hàng năm qua. Chính vì thế, yêu cầu có một sự rõ ràng, chặt chẽ từ bản quy chế là điều cần thiết.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá