EURO 2024

Cầu thủ Nam Mỹ đã trở thành trụ cột của tuyển Italia như thế nào?

Thứ năm, 24/06/2021 15:41 (GMT+7)

Trải qua một lịch sử lâu dài với rất nhiều thăng trầm, các ngôi sao mang trong mình dòng máu Nam Mỹ mới chứng tỏ được bản lĩnh của mình trong màu áo đội tuyển Italia để trở thành các trụ cột khó thay thế.

Rafael Toloi, Emerson Palmieri và Jorginho đều là các cầu thủ sinh ra tại Brazil nhưng lại nắm giữ vai trò quan trọng trong màu áo ĐT Italia tại EURO 2021. Để đạt được vị trí như ngày hôm nay, các ngôi sao mang trong mình 2 dòng máu Italia – Nam Mỹ đều đã trải qua những khó khăn rất lớn.

Người Italia rất coi trọng bản sắc dân tộc trong bóng đá. Họ có thuật ngữ Oriundo để chỉ những người có tổ tiên là dân Italia nhưng lại sinh ra ở nước ngoài. Cựu cầu thủ Ermanno Aebi (sinh năm 1892) được coi là Oriundo đầu tiên trong làng túc cầu. Ông sinh ra ở quê mẹ Thụy Sĩ, có cha là người Italia và từng khoác áo Inter Milan.

Cầu thủ Nam Mỹ đã trở thành trụ cột của tuyển Italia như thế nào? - Ảnh 1
Emerno Aebi

Tuy nhiên, những Oriundo nổi tiếng nhất lại đến từ bên kia Đại Tây Dương, những người chào đời tại Uruguay, Argentina và Brazil. Người Italia đã di cư ồ ạt vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, hàng triệu người đã đến châu Mỹ và mang theo bản sắc của họ, ảnh hưởng ít nhiều đến người dân địa phương.

Hai trong số các CLB lớn nhất Brazil, Cruzeiro và Palmeiras, ban đầu vốn mang tên Palestra Italia. Ở Argentina, biệt danh của Boca Juniors, Xeneize, xuất phát từ việc rất nhiều người hâm mộ của họ có nguồn gốc Genovese, thành phố phía Bắc Italia.

Vào những năm 1920, chủ nghĩa phát xít thắng thế ở Italia và một khái niệm mới mang tên Rimpatriati ra đời để chỉ những người mang 2 dòng máu trong đó có bố hoặc mẹ là người Italia. Benito Mussolini không cho phép các CLB ký kết hợp đồng với cầu thủ nước ngoài nhưng Rimpatriati là ngoại lệ. Khi đó, người lao động đến từ Nam Mỹ không đòi hỏi mức thu nhập cao nên có đến 1/10 cầu thủ chơi bóng tại Serie A vào cuối những năm 1920 sinh ra ở Nam Mỹ.

Cầu thủ Nam Mỹ đã trở thành trụ cột của tuyển Italia như thế nào? - Ảnh 2
Luis Monti, cầu thủ duy nhất trong lịch sử đá 2 trận chung kết World Cup cho 2 ĐTQG khác nhau (Argentina năm 1930 và Italia năm 1934)

Sự ảnh hưởng này nhanh chóng tác động lên đội tuyển Italia. Năm 1934, Azzurri vô địch World Cup ngay trên sân nhà với 5 trụ cột nổi tiếng Luis Monti, Raimundo Orsi, Enrique Guaita, Attilio Demaria và Anfilogino Guarisi từng khoác áo Argentina và Brazil trước đó. 

Một làn sóng phản đối mạnh mẽ đến từ người dân Italia đã nổ ra vào thời điểm đó. Các Oriundo Rimpatriati vẫn chưa được thừa nhận rộng rãi để khoác áo ĐTQG. Nếu muốn được đối xử công bằng như người Italia, họ buộc phải phục vụ quân đội như quy định của pháp luật. Thực tế Orsi và Guaita cùng các cầu thủ khác đã trở về quê nhà Argentina và Brazil để trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Tuyển Italia tiếp tục thu hút nhân tài đến từ Nam Mỹ trong 30 năm sau đó nhưng sức ảnh hưởng của các Oriundo Rimpatriati giảm dần. Năm 1962, hai cầu thủ gốc Argentina, Humberto Maschio và tiền đạo vĩ đại của Juventus, Omar Sivori, được triệu tập vào đội tuyển Italia. Hai ngôi sao gốc Brazil khác cũng góp mặt là Angelo Sormani và nhà vô địch World Cup 1958, Jose Altafini. Đáng tiếc là Italia lại bị loại ngay từ vòng bảng của World Cup năm đó.

Cầu thủ Nam Mỹ đã trở thành trụ cột của tuyển Italia như thế nào? - Ảnh 3
Angerlo Somani, huyền thoại AC Milan.

Cựu cầu thủ Angelo Sormani lên tuyển vào năm 1963 và trở thành Oriundo cuối cùng phục vụ cho Azzurri trong thế kỷ 20 bởi sau đó các quy định hạn chế với cầu thủ người Italia sinh ra ở nước ngoài đã được áp dụng ở Serie A.

Mãi đến năm 2003, Serie A mới lại mở cửa với các cầu thủ nước ngoài và đến năm 2006, Mauro Camoranesi, cầu thủ sinh ra ở Buenos Aires, đã cùng tuyển Italia vô địch World Cup. Thành công đó đã tạo tiền đề cho một loạt cầu thủ gốc Nam Mỹ nổi tiếng khác như Thiago Motta, Eder, Dani Osvaldo, Franco Vasquez, Rafael Toloi, Emerson Palmieri và Jorginho… đầu quân cho Azzurri.

Cầu thủ Nam Mỹ đã trở thành trụ cột của tuyển Italia như thế nào? - Ảnh 4
Jorginho đang là trụ cột của Italia

Tuy nhiên, sự việc này một lần nữa lại gây ra những tranh cãi. Cựu HLV của AC Milan và tuyển Italia, ông Arrigo Sacchi, từng nói vào năm 2015: “Bóng đá Italia bây giờ chẳng có gì đáng tự hào bởi có quá nhiều cầu thủ người ngoài chơi cho các đội trẻ.”

Năm 2010, một nhóm CĐV đã mang theo biểu ngữ phản đối các cầu thủ mang dòng máu nước ngoài chơi cho đội tuyển Italia trong trận đấu mà Cristian Ledesma, một cầu thủ sinh ra ở Argentina, ra sân đá giao hữu với Romania. Sau đó Ledesma cũng không lên tuyển thêm lần nào nữa.

Cầu thủ Nam Mỹ đã trở thành trụ cột của tuyển Italia như thế nào? - Ảnh 5
Emerson Palmieri.

Nhưng các Oriundo cũng nhận được không ít những sự ủng hộ bởi các ngôi sao gốc Nam Mỹ được khoác áo Azzurri thể hiện rất nhiều “chất Italia” trong thi đấu và cả cuộc sống hàng ngày. Họ thậm chí đã nói tiếng Italia khi ở nhà. Các tiêu chí cũng đã không còn khắt khe như trước. Điển hình là Emerson Palmieri, một cầu thủ có tổ tiên họ mẹ đã di cư sang Brazil từ năm 1853, vẫn được chào đón rất nhiệt tình.

Sự thừa nhận đối với các Oriundo một lần nữa phản ánh bản chất của xã hội hiện đại và xu hướng toàn cầu hóa. Nhiều người mang 2 quốc tịch và nhiều cầu thủ của họ đã di cư đến nhiều nơi trên thế giới. Các tiêu chí để một cầu thủ khoác áo đội tuyển quốc gia nào đó giờ đây đã cởi mở hơn rất nhiều.