-->
iThethao.vn - Trang tin Thể Thao hàng đầu Việt Nam
facebook tiktok youtube
Gửi bài
back-to-top
Bóng đá Bóng đá Anh Ngoại Hạng Anh

Carrick, Fletcher và phận bi tráng của kẻ đóng thế ở Old Trafford

Thứ ba, 23/11/2021 17:32 (GMT+7)

Cả hai đều là những tiền vệ bị phủ mờ trước ánh mặt trời mang tên Paul Scholes. Giờ một người làm Giám đốc kỹ thuật, người còn lại làm HLV đóng thế với cùng mục tiêu giải cứu MU thoát khỏi khủng hoảng. Giữa tâm bão, Michael Carrick và Darren Fletcher chỉ biết thầm lặng vượt qua mà chẳng mảy may nghĩ tới tương lai của họ.

Vòng tròn 12 năm

Đúng dịp này 12 năm trước, MU dưới thời Sir Alex Ferguson trải qua một cuộc khủng hoảng nhân sự bậc nhất nơi hàng phòng ngự. Rio Ferdinand, Nemanja Vidic, John O'Shea, Wes Brown và Jonny Evans đều không thể thi đấu vì chấn thương. Trung vệ lành lặn duy nhất Sir Alex còn trong đội một khi ấy là Oliver Gill, cầu thủ mới được đôn từ đội trẻ. Anh cũng là con trai David Gill, CEO MU thời điểm đó.

Carrick, Fletcher và phận bi tráng của kẻ đóng thế ở Old Trafford - Ảnh 1
12 năm trước, đúng dịp này, Carrick và Fletcher đá trung vệ ở Champions League

Làm cách nào để xoay tua hàng phòng ngự một khi chẳng có trung vệ nào trong tay? Sir Alex luôn là người liệu cơm gắp mắm theo cách không ai ngờ tới, và đó là lúc Michael Carrick cùng Darren Fletcher được yêu cầu chơi ở vị trí mới. Bộ đôi này liên tục sắm vai trung vệ bất đắc dĩ trong giai đoạn cuối tháng 11, đầu tháng 12 của mùa giải 2009/2010. Người đá hậu vệ cánh phải lúc ấy cũng là một người đóng thế: Park Ji Sung.

Kỳ lạ thay, đội hình chắp vá ấy lại là những nhân tố làm nên giai đoạn thăng hoa bậc nhất của MU trong năm đó. Họ thắng 4, thua 1 ở giải Ngoại hạng Anh, đánh bại Tottenham ở League Cup, và kết thúc vòng bảng Champions League với vị trí đứng đầu. Với bộ đôi Carrick và Fletcher nơi trung tâm hàng phòng ngự, MU đã đánh sập pháo đài Volkswagen Arena của Wolfsburg ở lượt cuối vòng bảng Champions League bằng chiến thắng 3-1.

Chiến thắng trước Wolfsburg, nhà đương kim vô địch nước Đức với tỷ số cách biệt ấy được ghi nhận như một dấu ấn đỉnh cao về chiến thuật của Sir Alex Ferguson. Ông xếp 2 tiền vệ đá trung vệ, tiền vệ cánh đá hậu vệ cánh, nhưng sơ đồ quái dị đó lại vận hành trơn tru đến không ngờ. Người ghi dấu ấn mạnh mẽ nhất hôm đó cũng là một gương mặt thường xuyên phải ngồi dự bị: Michael Owen. Cựu thần đồng bóng đá Anh lập một cú hattrick hôm đó.

Tròn 1 con giáp đã trôi qua kể từ thời khắc khó khăn ấy, những cầu thủ cùng thời với Carrick và Fletcher không ai còn gắn bó với MU nữa. Ferdinand, Owen và cả Scholes lúc này trở thành những BLV chuyên châm chọc đả kích đội nhà. Không một ai chung tay góp sức đồng lòng giúp CLB vượt qua khó khăn. Trước áp lực thành tích cùng phong độ bết bát thời gian gần đây, HLV Ole Gunnar Solskjaer đã phải nhận trát sa thải.

Carrick, Fletcher và phận bi tráng của kẻ đóng thế ở Old Trafford - Ảnh 9

Ole đi, chỉ còn Fletcher và Carrick ở lại. Ban đầu có thông tin cả hai sẽ cùng làm HLV tạm quyền dẫn dắt MU cho đến khi CLB bổ nhiệm một thuyền trưởng mới, nhưng cuối cùng chỉ có Carrick đứng mũi chịu sào. Đau đớn hơn cho Carrick là CLB thông báo anh chỉ tạm trám vào vị trí Ole để lại cho đến khi MU tìm được một HLV tạm quyền đến hết mùa giải này. Carrick vô danh, và cũng không có thực quyền với thông báo đó.

Fletcher cũng chẳng khá hơn Carrick là bao với vị trí Giám đốc kỹ thuật thời điểm hiện tại. Ở tuổi 37, anh bị đánh giá thiếu kinh nghiệm để ngồi vào một vị trí thuần về chuyên môn như thế. Chức năng và quyền hạn của vị trí Giám đốc kỹ thuật ở MU cũng không thực sự rõ ràng khi đội bóng này còn có một Giám đốc bóng đá, chưa kể Phó Chủ tịch điều hành Ed Woodward được coi là nhân vật "dưới một người, trên vạn người".

Giữa khó khăn bủa vây như thế, tại sao Carrick và Fletcher vẫn đứng ra cáng đáng nhiệm vụ giải cứu CLB giữa lúc khó khăn? Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng lật lại quá khứ của mỗi người. Cả hai đều được ví như huyền thoại ở sân Old Trafford, nhưng tầm ảnh hưởng của họ tại MU chỉ thực sự hiện rõ khi 1 trong 2 người đã qua thời kỳ đỉnh cao, hoặc không còn gắn bó với CLB nữa.

Fletcher, cần cù bù thông minh

"Tôi chẳng hiểu vì sao người Scotland lại cứ đánh giá cao và ngưỡng mộ Fletcher như thế". Đó là lời nhận xét của Roy Keane về người đàn em trên kênh MUTV hồi tháng 10/2005, khi ông lôi một nửa đội hình đá chính của CLB ra thóa mạ. Sau phát ngôn đầy tranh cãi đó, Keane bị MU thanh lý hợp đồng, còn Fletcher không phải lên tiếng thanh minh một lời nào cả. Đến tháng 11, anh là người ghi bàn thắng duy nhất giúp MU cắt đứt chuỗi 40 trận bất bại của Chelsea thời Mourinho.

Carrick, Fletcher và phận bi tráng của kẻ đóng thế ở Old Trafford - Ảnh 10

Nói ít làm nhiều, thậm chí làm không cần nói là con người của Darren Fletcher trong những năm tháng gắn bó với đội chủ sân Old Trafford. Xuất phát điểm của anh là một tiền vệ cánh phải, nhưng buộc phải bó vào đá trung lộ vì MU có một David Beckham quá xuất sắc. Becks đi thì Ronaldo tới, Fletcher hiểu cách duy nhất để anh trụ lại CLB là học cách thích nghi với mọi nhiệm vụ được giao. Đó là bí quyết sinh tồn của một người chẳng có tố chất trời ban nào cả.

"Có một cách rất hay để luôn chiếm vị trí tại đội một MU dưới thời Sir Alex: Trở thành một cầu thủ đa năng". Fletcher đã nói như thế trong thời gian anh phải đá cặp trung vệ với Carrick và điều đó chưa bao giờ sai cho đến ngày cuối cùng anh ở lại CLB. Mọi người thường nhắc quá nhiều đến John O'Shea mà quên mất Fletcher từng đá tiền vệ phải, tiền vệ trái, tiền vệ trung tâm, tiền vệ phòng ngự và trung vệ. Mức độ đa năng giữa anh và O'Shea có thể xem như một chín một mười.

Fletcher hiếm khi nào ghi bàn, nhưng mỗi lần anh lập công là một lần vinh quang đó lại bị... nhấn chìm bởi những bàn thắng khác. Anh lập cú đúp trong chiến thắng 4-3 của MU trước Man City mùa 2009/10, nhưng tất cả đều chỉ nhớ đến bàn thắng quyết định được ghi vào phút 90+6 của Michael Owen. Đến trận derby Manchester mùa 2011/12 trên sân Old Trafford, Fletcher cũng là người ghi bàn danh dự khi được tung vào sân từ ghế dự bị. Hôm đó MU thua Man City 1-6. Đó là lý do anh luôn bị lãng quên một cách bất đắc dĩ.

Vậy Fletcher quan trọng với MU đến cỡ nào? Điều đó được thể hiện ở cách CLB đối đãi với anh. Năm Fletcher 15 tuổi, anh nhận cú "sấy tóc" đầu đời khi Sir Alex biết tin anh định đầu quân cho Newcastle chứ không phải MU. Hậu quả là vị HLV vĩ đại ngày ấy bị "sấy" ngược lại bởi mẹ Fletcher, người đã cáu tiết đến mức muốn Sir Alex phải xin lỗi vì xúc phạm cậu quý tử nhà bà. Đến khi anh ký hợp đồng chuyên nghiệp, MU cũng chưa bao giờ đẩy anh sang CLB khác mượn mà luôn tận dụng mọi cách có thể.

Carrick, Fletcher và phận bi tráng của kẻ đóng thế ở Old Trafford - Ảnh 11

Sau này, ngay cả khi đưa về những tiền vệ trung tâm xuất chúng như Carrick, Hargreaves và Anderson, Sir Alex cũng chưa bao giờ có ý định bán Fletcher đi. Cầu thủ sinh năm 1984 được ví như tài năng sáng giá nhất mà lò đào tạo MU từng sản sinh kể từ sau thế hệ 92, và anh cũng là gạch nối giữa Scholes, Giggs đến những người đàn em 9X như Rashford. Quan trọng hơn, tài năng của Fletcher còn được chính những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với MU thừa nhận.

Chứng kiến Fletcher phạm lỗi lắt nhắt năm lần bảy lượt ở giải Ngoại hạng Anh, Giáo sư Arsene Wenger từng lắc đầu ngao ngán nói: "Tôi chẳng hiểu vì sao các trọng tài lại để một cầu thủ như thế tự tung tự tác trên sân. Anh ta liên tục phạm lỗi lắt nhắt khiến việc triển khai bóng của đối phương bị gián đoạn mà không phải nhận dù chỉ một thẻ vàng". Lối chơi khôn ngoan và khó chịu của Fletcher là tác nhân giúp MU lọt vào chung kết Champions League mùa giải 2008/09, nơi anh vắng mặt vì án treo giò.

Tấm thẻ đỏ phải nhận ở trận bán kết lượt về với Arsenal khiến Fletcher bỏ lỡ trận đấu lớn nhất sự nghiệp, ngay cả khi MU nộp đơn kháng cáo lên UEFA. Nói về tầm ảnh hưởng của Fletcher thời điểm ấy, Người đặc biệt Jose Mourinho từng nhận xét: "Cậu ta quan trọng hơn mọi người vẫn nghĩ nhờ khả năng ăn hiếp đối thủ khi chuyển trạng thái phòng ngự. Xavi và Iniesta nên cảm thấy vui vì không phải đối đầu Fletcher". Đúng như Mourinho dự báo, Barca đã thắng dễ MU 2-0 trong trận chung kết Champions League năm đó.

Đến lúc Fletcher không thể ra sân thường xuyên như trước vì mắc virus đường ruột lạ, Sir Alex cũng không bao giờ bỏ rơi anh. Ông thậm chí còn tạo điều kiện cho Fletcher sớm thử nghiệm với công tác huấn luyện bằng việc chỉ đạo một số trận của đội dự bị. Vị HLV huyền thoại của MU từng rất khoái chí chia sẻ về một lần ông đến xem đội bóng do Fletcher dẫn dắt và thấy anh quát một số cầu thủ: "Các cậu đá như thế này thì không đời nào xứng đáng khoác áo Manchester United".

Carrick, Fletcher và phận bi tráng của kẻ đóng thế ở Old Trafford - Ảnh 14

Tầm ảnh hưởng của Fletcher với MU chưa bao giờ giảm, ngay cả khi anh rời CLB ở giữa mùa giải 2014/15. Sau ngày Fletcher giải nghệ, đội bóng cũ đã mời anh về làm công tác huấn luyện. Từ vị trí HLV đội U16, anh được đôn lên làm HLV đội 1 hồi đầu năm nay và giờ trở thành Giám đốc kỹ thuật. Trước bộn bề khó khăn ở MU thời điểm hiện tại, Fletcher vẫn sẽ bền bỉ tiến bước về phía trước như một chiến binh, bất chấp những hạn chế của bản thân anh.

Thiên tài thầm lặng Carrick

Michael Carrick có một tài khoản cá nhân chính thức trên Instagram nhưng anh đã ngừng đăng bài từ tháng 12 năm ngoái. Những ai muốn cập nhật thông tin về cựu tiền vệ, nay làm HLV tạm quyền MU phải theo dõi trên trang của quỹ từ thiện do anh sáng lập. Từ ngày khởi nghiệp quần đùi áo số, trở thành tượng đài của MU, giải nghệ rồi chuyển sang công tác huấn luyện, Carrick vẫn luôn sống thầm lặng như thế. Anh không muốn gây chú ý quá nhiều bởi anh biết bản thân mình chỉ muốn gắn liền với bóng đá.

Cái duyên của Carrick gắn liền với MU kể từ mùa hè 2006 khi anh đầu quân cho đội chủ sân Old Trafford từ Tottenham Hotspur. Trong tự truyện của mình, Sir Alex Ferguson kể ông từng bàn với CEO David Gill để đưa Carrick về MU chỉ với giá 8 triệu bảng Anh! "Cuối cùng cộng thêm cả phụ phí liên quan, chúng tôi phải mất tới 16 triệu", bản tính cần kiệm của người Scotland khiến Sir Alex đến giờ vẫn nghĩ ông mua Carrick hơi... đắt. Nhưng cuối cùng đó lại là một thương vụ đại thành công.

Carrick khoác áo số 16 ở MU suốt cả sự nghiệp bởi anh được đưa về với kỳ vọng thay thế Roy Keane. Rõ ràng Carras đã làm được điều đó nhưng theo một cách rất riêng của bản thân, và anh cũng mất nhiều thời gian hơn người đàn anh để mọi cống hiến của mình được thừa nhận một cách công bằng nhất. Lý do bởi Carrick hoàn toàn khác Keane, một mẫu tiền vệ thích chơi băm bổ và không ngại va chạm. Carrick thích lối đá kiểu thong dong và không mất quá nhiều sức, dù thể chất anh không kém một ai.

Carrick, Fletcher và phận bi tráng của kẻ đóng thế ở Old Trafford - Ảnh 12

"Carrick là một cầu thủ sút xa rất tốt với lực chân mạnh và đá tốt cả 2 chân, nhưng vấn đề của cậu ấy là lười sút. Rất nhiều lần tôi phải khuyên Carrick là sút nhiều hơn đi, nhưng chỉ một thời gian đâu lại vào đấy". Đó là nhận xét của Sir Alex về nhược điểm duy nhất của cậu học trò thiên tài, người trở thành gạch nối kế thừa tinh thần Quỷ Đỏ ông truyền lại cho đến ngày giải nghệ. Thay vì đóng vai chính trên sân, Carrick thường đóng vai phụ cho người khác tỏa sáng.

Tại Champions League 2010/11, lá thăm đưa MU chạm trán Chelsea ở tứ kết. The Blues khi ấy đang là đương kim vô địch nước Anh và họ có một đội hình rất mạnh dưới thời Carlo Ancelotti. Nhưng ở trận lượt đi ngay trên sân Stamford Bridge, pháo đài bất khả xâm phạm của Chelsea đã bị đánh sập. Người ghi bàn thắng duy nhất hôm đó là Rooney, người kiến tạo là Giggs, nhưng tác giả châm ngòi cho tình huống ấy chính là Carrick với một pha chặt bóng như đặt chéo sân. Carrick không cần hiện tên trên bảng điện tử để cho thấy mình quan trọng.

Có thể chia quãng thời gian Carrick khoác áo MU thành 2 giai đoạn: Trước và sau khi Paul Scholes giải nghệ. Khi còn chơi bóng bên cạnh người đàn anh, Carrick thường xuyên sắm vai cho Scholes tỏa sáng. Không ít thời điểm anh chấp nhận thi đấu như một dạng tiền vệ con thoi chuyên tranh cướp bóng giữa sân. Đến khi Scholes treo giày, Carrick mới thực sự là chính mình với vai trò của một tiền vệ kiến thiết lùi sâu. Carrick càng lớn tuổi, vai trò của anh tại MU càng được ghi nhận nhiều hơn.

Carrick, Fletcher và phận bi tráng của kẻ đóng thế ở Old Trafford - Ảnh 13

"Cậu ấy chơi bóng trên sân như một HLV chỉ đạo các cầu thủ khác di chuyển bằng những đường chuyền của mình". Một HLV đặc biệt khó tính như Van Gaal cũng phải nhận xét như vậy khi được hỏi về trí tuệ và khả năng nhận thức chiến thuật của Carrick. Xavi gọi Carrick là một cầu thủ hoàn thiện. Pep Guardiola nói Carrick là một trong những tiền vệ cầm nhịp xuất sắc nhất ông từng chứng kiến, và Pep thực sự ngưỡng mộ anh. Đáng tiếc là sự nghiệp thi đấu quốc tế của Carrick lại không trọn vẹn như ý muốn vì Tam Sư có Lampard và Gerrard.

Nếu MU thời điểm hiện tại có một tiền vệ như Carrick thì sao? Hẳn đó sẽ là món quà trời cho khiến Solskjaer tiếp tục tại vị, và ông thậm chí có thể đã giành một vài danh hiệu cùng CLB. Carrick cao lớn và mạnh mẽ hơn Van de Beek, thi đấu chắc chắn hơn Fred, cơ động hơn McTominay và có trách nhiệm hơn Paul Pogba. MU đã dựa dẫm quá nhiều vào Carrick ngay cả khi anh đã luống tuổi, thế nên họ rơi vào khủng hoảng khi không còn một tiền vệ tài hoa thích cống hiến thầm lặng nữa. Bruno Fernandes là một tiền vệ giỏi, nhưng anh không thể mang về sự cân bằng công - thủ như Carrick từng làm.

Đáng tiếc cho MU lúc này là họ không còn một Carrick-cầu-thủ nữa. Carras giờ đã là HLV, và giống như trước kia, anh không thích gây chú ý bằng Instagram hay họp báo. Buổi ra mắt truyền thông trên cương vị thế thân cho HLV tạm quyền của Carrick là những câu chuyện về ngày xưa cũ, về việc di sản của Ole tại MU sẽ không bao giờ bị quên lãng. Quan trọng hơn cả, Carrick không hề ngại ngần khi được hỏi về tương lai với CLB:

"Tôi đã chuẩn bị cho mọi thứ xảy ra trong tương lai. Dù chỉ huấn luyện MU 1 trận hay 2 trận, tôi cũng không chắc chắn nữa ở thời điểm này. Nhưng tôi không nghĩ đến chuyện đó, bởi tất cả những gì tôi quan tâm là ngày mai phía trước".

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá